Cổ phiếu liên tục sụt giảm, vốn hóa FPT Retail ‘’bốc hơi’’ hơn 4.400 tỷ

26/12/2019 12:20 GMT+7
Liên tục sụt giảm về mức 26.600 đồng/cp (chốt phiên 20/12/2019), so với mức giá 83.000 đồng/cp ngày mới chào sàn (cuối năm 2018), thị giá cổ phiếu FRT của FPT Retail giảm 68%, vốn hóa tương ứng ‘bốc hơi’ hơn 4.400 tỷ đồng.

Theo giới quan sát, giữa bối cảnh ICT đang giảm nhiệt, những nỗ lực của FRT vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Đặc biệt, giá cổ phiếu vài tuần trở lại đây lao dốc mạnh, song hành với sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận tháng 10/2019 do thiếu vắng doanh thu từ các chương trình F.Friend và trợ giá điện thoại di động, cũng như dự phòng nợ xấu liên quan đến 2 chương trình này.

Trong khi chuỗi dược vẫn ở giai đoạn đầu tư mở rộng, dự kiến chỉ có thể đóng góp lợi nhuận trong 2-3 năm tiếp theo, FRT tiếp tục đối mặt với bài toán tăng trưởng tương lai gần. Chưa kể, Công ty còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ mạnh – Thế giới Di động (MWG) - đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng ngành ICT chuyển từ hàng cao cấp sang hàng giá rẻ.

Xu hướng tiêu dùng mới ngành điện tử đang gây áp lực tăng trưởng doanh thu

Giá thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam trong quý 3 tăng trưởng nhẹ trở lại sau 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Trong đó, thị trường đã và đang có sự chuyển dịch dần từ các thương hiệu điện thoại di động cao cấp (Apple và Samsung) sang trung cấp (Oppo, Realme, Vivo, Xiaomi), giải thích sự sụt giảm trong giá trị thị trường hàng điện thoại di động.

MWG đã nhanh chóng nắm bắt và triển khai chuỗi cửa hàng điện thoại giá rẻ, cùng với việc bán kết hợp các sản phẩm gia dụng, mắt kính… cũng như chuyển đổi cửa hàng, cơ cấu sản phẩm để giữ đà tăng trưởng.

Ngược lại, điều này khiến cho tăng trưởng doanh thu của FRT chậm lại đáng kể. Lũy kế 10 tháng, doanh thu thuần FRT đạt 13.755 tỷ đồng, tăng 12% trong khi lợi nhuận ròng giảm 11% về 236 tỷ đồng – chủ yếu do tác động của lãi ròng tháng 10 giảm sốc 83% về 6 tỷ đồng.

Kế hoạch mở rộng cửa hàng FPT để thúc đẩy tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng

Sang năm 2020, việc mở rộng cửa hàng (đối với cả hai chuỗi nhà thuốc và cửa hàng ICT) được kỳ vọng sẽ giúp duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức một chữ số, mặc dù quy mô ngành điện thoại di động có thể thu hẹp và ước tính lỗ từ chuỗi nhà thuốc.

Cổ phiếu liên tục sụt giảm, vốn hóa FPT Retail ‘’bốc hơi’’ hơn 4.400 tỷ - Ảnh 1.

Lãi ròng cổ đông Công ty Mẹ FRT

Được biết với mảng ICT trong năm 2019, FRT đã lên kế hoạch mở mới 100 cửa hàng FPT, nhưng chỉ mở được 52 cửa hàng kể từ đầu năm, do đó có khả năng không đạt kế hoạch về số lượng cửa hàng. SSI Research cho rằng tốc độ mở rộng chậm như vậy có thể do hạn chế về mặt bằng cho thuê thương mại.

Và như vậy, lợi nhuận thời gian tới của FRT (chủ yếu từ bán di động) có thể tiếp tục chịu ảnh hường tiêu cực từ tăng trưởng ngành ICT âm; chưa kể việc mở mới cửa hàng để giành thị phần trong một ngành đang suy giảm sẽ gây khó khăn cho Công ty, điều này lý giải cho ước tính tăng trưởng lợi nhuận thấp và do đó định giá thấp, giới phân tích cho hay.

Tính đến cuối tháng 10, số lượng cửa hàng FPT đạt 585, chỉ tăng 1 cửa hàng trong tháng 10 và tăng 52 cửa hàng kể từ đầu năm.

Chuỗi Long Châu: Ngắn hạn đối mặt rủi ro khi chuyển đổi mô hình cũng như kế hoạch mở mới khó thành

Điểm sáng mới đây từ chuỗi dược Long Châu, 11 tháng FRT đã hoàn tất kế hoạch mở 70 cửa hàng. Sang năm 2020, FRT sẽ tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng nhà thuốc sau khi các vấn đề hợp nhất được giải quyết (chuyển đổi pháp nhân của các cửa hàng Long Châu từ hộ gia đình kinh doanh sang doanh nghiệp). Công ty cũng ước tính chuỗi dược sẽ tạo lợi nhuận dương kể từ 2021. Đến năm 2022, mảng này sẽ đóng góp doanh thu ước 6.500 tỷ đồng, chiếm 30% thị phần.

Với kế hoạch đầy tham vọng sẽ dần mở tổng cộng 550 nhà thuốc đến năm 2022 (150 cửa hàng vào năm 2020, 200 cửa hàng vào năm 2021 và 200 cửa hàng vào năm 2022), Công ty có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch về số lượng cửa hàng cho chuỗi nhà thuốc, dựa trên năng lực mở rộng cửa hàng hiện có.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục