Có thể sang tên sổ đỏ hộ gia đình được không khi một người phản đối?

24/01/2021 19:30 GMT+7
Hộ gia đình là một trong những đối tượng được cấp sổ đỏ phổ biến nhất. Vậy có thể sang tên sổ đỏ hộ gia đình không khi một thành viên phản đối?

Độc giả gửi thư đến Etime hỏi: "Sổ đỏ nhà tôi được cấp cho hộ gia đình do mẹ tôi là đại diện đứng tên. Nay mẹ tối muốn sang tên sổ đỏ cho tôi, chỉ có 1 thành viên trong gia đình phản đổi trong khi các thành viên khác đều đồng ý. Vậy mẹ tôi tôi có sang tên sổ đỏ cho tôi được không?".

Trả lời: 

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Có thể sang tên sổ đỏ hộ gia đình được không khi một người phản đối? - Ảnh 1.

Việc sang tên sổ đỏ hộ gia đình chỉ thực hiện được khi tất cả các thành viên đồng ý.

Thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ hộ gia đình sang cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện sau: "Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên."

Đồng thời, Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định:

“Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”

Theo đó, đối với trường hợp hộ gia đình là người sử dụng đất thì khi chuyển nhượng, tặng cho…phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Như vậy, khi có một thành viên trong gia đình không đồng ý việc chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình cho riêng một mình ai, nên mặc dù các thành viên khác đều đồng ý, việc sang tên sổ đỏ trong trường hợp này vẫn không thể thực hiện được.

Điều kiện cấp sổ đỏ cho hộ gia đình

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất"

Theo đó, các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất nếu có đủ các điều kiện sau:

- Có quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

- Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

- Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp, tạo lập hoặc được tặng cho, thừa kế chung…

Khi có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên trong gia đình có quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện.

An Vũ
Cùng chuyên mục