"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển

16/11/2020 05:55 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Hiền, 48 tuổi (ở thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã chọn con đường tiếp nối nghề sản xuất nước mắm Cửa Khe truyền thống của gia đình để phát triển sự nghiệp.

Bà Hiền cho biết, sinh ra và lớn lên từ vùng đất gắn liền với làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe nức tiếng xứ Quảng, nên tuổi thơ của bà gắn liền với những chai nước mắm, bà đã phụ giúp ba mẹ làm nước mắm, đi bán nước mắm. Từ đó nghề làm nước mắm Cửa Khe đã ăn sâu vào máu thịt, và bà đã quyết tâm theo đuổi nghề sản xuất nước mắm của gia đình.

"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển - Ảnh 1.

Cở sở sản xuất nước mắm Cửa Khe truyền thống của bà Nguyễn Thị Hiền, ở thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Theo bà Hiền, để đầu tư cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô như ngày hôm nay, cách đây gần 30 năm bà gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là vốn, mặt bằng và quan trọng nhất là sự cạnh tranh trên thị trường.

Mặc dù, có lợi thế kinh nghiệm của ba mẹ truyền lại, nhưng ba mẹ chỉ để lại ít chượp vại làm vật niệm. Để sản xuất với số lượng lớn nước mắm truyền thống thì không hề đơn giản, khi mà bà và chồng vừa mới lập gia đình.

"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển - Ảnh 2.

Bà Hiền đã đổi đời và từng bước làm giàu nhờ nghề sản xuất nước mắm Cửa Khe truyền thống.

Để làm ra những chai nước mắm chất lượng, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải rất nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá cơm than tươi vừa đưa lên bờ, được phân loại, rồi cho vào thùng, chum, vại… sau đó tiến hành gài nén, chèn vật nặng lên làm cho cá chìm xuống.

"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển - Ảnh 3.

Hàng năm, cơ sở sản xuất nước mắm của bà Hiền bán ra thị trường hơn 40.000 lít nước mắm, với giá bán trung bình 50.000 đồng/lít (tùy loại).

Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, đảm bảo phơi nắng đều. Thường thì cá được muối trong vòng 8 tháng đến một năm thành chợp, và cuối cùng là khâu rút nước mắm được tiến hành vào ban đêm hoặc sáng sớm để đảm bảo vệ sinh và độ tinh khiết.

Cũng nhờ có nhãn hiệu riêng mà nước mắm của gia đình bà Hiền ngày càng được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Nhờ vậy, quy mô, sản lượng chế biến của cơ sở bà được mở rộng qua từng năm.

"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển - Ảnh 4.

Quy trình chế biến nước mắm của bà Hiền 100% truyền thống, nhưng rất nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ loại cá cơm than và nguồn nước tại địa phương đã tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu nước mắm Cửa Khe, làm cho người tiêu dùng "nhớ nhung" khi sử dụng sản phẩm nước mắm truyền thống này. Nước mắm Cửa Khe có mùi thơm đặc trưng và hương vị mặn mà, ngọt thanh không lẫn vào đâu được.

"Hàng năm, cơ sở của tôi bán ra thị trường hơn 40.000 lít nước mắm, với giá bán trung bình 50.000 đồng/lít (tùy loại). Cũng nhờ sản xuất nước mắm Cửa Khe truyền thống mà tôi nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng được nhà cửa khang trang"... bà Hiền cho hay.

"Con đẻ" làng nghề nước mắm Cửa Khe đổi đời nhờ lưu giữ vị ngọt của biển - Ảnh 5.

Những lô hàng được bà Hiền chuẩn bị xuất bán ra thị trường.

Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Hiền có 4 lao động thường xuyên, 10 lao động thời vụ, với mức lương trung bình từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất và cho ra lò khoảng hơn 40.000 – 45.000 lít/năm, doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.

Sản phẩm nước mắm Cửa Khe - Hai Hiền được xếp hạng là sản phẩm 3 sao OCOP theo Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Quảng Nam năm 2018. Đây chính là bệ phóng để những giọt nước mắm quê hương Cửa Khe ngày một "bay" xa hơn.

Hồng Hậu
Cùng chuyên mục