Cộng đồng DN Mỹ kêu gọi Biden dỡ thuế quan trừng phạt với Trung Quốc: Khi chính sách từ thời Trump phản tác dụng
Hôm 5/8, hơn 30 tổ chức doanh nghiệp bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội chip bán dẫn, đại diện các nhà bán lẻ, trang trại và nhà sản xuất đã cùng chung tiếng nói yêu cầu chính quyền ông Biden dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khởi động lại tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Thông điệp nêu rõ: “Một chương trình nghị sự thương mại lấy người lao động làm trọng tâm thì chính phủ cần tính đến các thiệt hại mà thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc gây ra cho chính người lao động Mỹ. Cần loại bỏ các mức thuế quan gây tổn hại đến lợi ích của người Mỹ như vậy”.
Không có điều gì trong nền chính trị Mỹ nhanh nhạy hơn các cuộc vận động hành lang của giới kinh doanh nhằm điều chỉnh các quy định pháp lý bất lợi cho hoạt động của họ. Thông điệp chung của hơn 30 tổ chức kinh doanh lớn nhất nước Mỹ mới đây đang thể hiện một niềm tin chung rằng họ cần một thỏa thuận thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị hiện tại.
Không phải không có cơ hội để thỏa thuận đó xuất hiện, khi ngày càng nhiều nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt công nghệ và thương mại mà cựu Tổng thống Trump áp đặt lên Trung Quốc đã thất bại và thậm chí có thể phản tác dụng khi gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp Mỹ. Nếu tình hình lạm phát hiện tại đe dọa vị thế của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào năm 2022 tới, và đảng Cộng hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, thì việc dỡ bỏ thuế quan như vậy là cách nhanh nhất để xoa dịu lạm phát.
Tháng trước, chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng thừa nhận trên tờ New York Times rằng thuế quan áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đang làm tổn thương chính người tiêu dùng Mỹ. Kể từ khi ông Trump áp thuế khoảng 20% với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã thu về 100 tỷ USD thuế. Hầu hết số thuế này được trả bởi chính người tiêu dùng Mỹ khi các doanh nghiệp nhập khẩu nâng giá hàng hóa để bù đắp chi phí tăng do thuế quan.
Việc giá hàng hóa tăng do thuế cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến mức lạm phát hàng hóa lâu bền tăng vọt trong suốt năm qua. Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi Vox/ Data for Progress cho thấy lạm phát hiện là vấn đề kinh tế cấp bách nhất với cử tri Mỹ lúc này.
Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 550 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mỗi năm từ Trung Quốc. Con số này tương đương gần 1/4 tổng quy mô nền kinh tế hơn 2,4 nghìn tỷ của Mỹ. Mức thuế 20% áp dụng cho khoảng một nửa số hàng hóa nhập khẩu này. Như vậy, nếu tính một cách đơn giản, các nhà quan sát cho hay việc dỡ bỏ thuế quan có thể làm giảm giá hàng hóa lâu bền khoảng hơn 2%.
Tờ Global Times của Trung Quốc hôm 6/8 bình luận rằng: “Chính sách thuế quan của Mỹ đang đi ngược lại xu thế thời đại và khó tồn tại được lâu. Trong khi các công ty của Trung Quốc nhìn chung đã thích nghi được với tình hình mới, chính doanh nghiệp Mỹ lại đang phải chịu tác động nhiều hơn từ thuế quan trừng phạt. Điều này đang dần được đồng thuận trong dư luận Mỹ”.
Ngày càng nhiều nhà phân tích kết luận rằng ông Trump đã thất bại trong việc cản bước tiến của Trung Quốc thông qua các chính sách cắt đứt quyền tiếp cận của doanh nghiệp Trung Quốc với công nghệ chip tiên tiến do Mỹ sản xuất.
Tờ Asia Times hồi tháng trước là tờ báo đầu tiên đưa tin rằng Trung Quốc có năng lực sản xuất chip đủ để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong những ngành quan trọng như viễn thông 5G. Dự kiến Trung Quốc sẽ xây dựng xong gần 1 triệu trạm gốc 5G trong năm nay, vượt xa phần còn lại của thế giới. Trong năm 2022, dự kiến hàng chục nghìn trạm gốc 5G chuyên dụng cho các nhà máy, nhà kho, bến cảng, hầm mỏ và hệ thống giao thông đô thị sẽ được triển khai.
Một báo cáo của Hiệp hội chip Mỹ vào tháng 7 cũng khẳng định: “Mới tháng trước, Trung Quốc đã đưa các phi hành gia vào không gian để thiết lập một trạm vũ trụ mới. Đầu năm nay, Trung Quốc hạ cánh thành công một tàu thám hiểm trên sao Hỏa. Theo truyền thông Trung Quốc, các thiết bị chip sử dụng trong trạm vũ trụ và tàu thám hiểm này được thiết kế và sản xuất 100% trong nước. Điều này cho thấy khả năng sản xuất chip ngày càng tinh vi của Trung Quốc”.
Dù ngành chip thương mại vẫn còn non trẻ, chính phủ Trung Quốc đang tạo mọi điều kiện để các nhà sản xuất chip trong nước thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư 150 tỷ USD vào ngành chip trong giai đoạn 2014-2030. Được thúc đẩy bởi sự bùng nổ nhu cầu thị trường và khoản đầu tư chính phủ hào phóng, các doanh nghiệp chip Trung Quốc đang ngày càng có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong một số phân khúc chip tầm trung trên thị trường.