Nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng chóng mặt khi dân tích cực vay tiền mang đi đầu tư chứng khoán, BĐS
Trong vài năm qua, chồng cô Zeng đã liên tục vay tín dụng để mua một căn chung cư 3 phòng ngủ rộng 70m2 và hai căn hộ khác ở Thâm Quyến. Cùng với đó là một khoản vay thế chấp khác để đầu tư. Mặc dù việc thị trường bất động sản nóng lên đã làm tăng tổng giá trị các tài sản mà vợ chồng cô Zeng sở hữu lên hơn 18 triệu nhân dân tệ, nhưng khoản tiết kiệm của cả hai hiện chỉ còn 200.000 nhân dân tệ (31.000 USD), trong khi đó họ cần 60.000 nhân dân tệ trả lãi ngân hàng mỗi tháng cho khoản vay gần 10 triệu tệ.
“Ngoại trừ tiền học phí trường quốc tế của các con, tôi đang cố gắng hết sức để duy trì sinh hoạt phí của gia đình xuống khoảng 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng… Bất động sản đang tăng giá nhưng tôi không thấy yên tâm chút nào. Lúc nào tôi cũng lo lắng rằng chúng tôi không có đủ tiền để trả lãi vay vào tháng tới” - cô Jane Zeng cho hay.
Gia đình cô Zeng chỉ là một trong rất nhiều hộ gia đình đang cõng trên lưng gánh nặng nợ tín dụng rất lớn tại Trung Quốc. Mức nợ hộ gia đình tăng vọt có nguy cơ làm suy yếu đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng - vốn được chính phủ Trung Quốc kỳ vọng là động lực tăng trưởng kinh tế chính trong nửa cuối năm.
Có nhiều nguyên nhân khiến nợ hộ gia đình Trung Quốc phình to trong và sau đại dịch. Nhưng nguyên nhân lớn có thể kể tới là xu hướng các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu đi vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản khi nền kinh tế phục hồi và nóng lên sau đại dịch. Thêm vào đó, các chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang tăng cường vay nợ để duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh sau dịch. Một số người khác thì vay tín dụng để trang trải cuộc sống do tỷ lệ thất nghiệp vẫn chưa giảm trở lại mức trước đại dịch.
Cho dù nguyên nhân là gì, việc người dân phải trả gánh nặng nợ này đang tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng - một trong những yếu tố động lực của tăng trưởng kinh tế.
Tính đến cuối quý II/2021, nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng lên mức 62% GDP quốc gia. Con số này giảm nhẹ so với mức đỉnh lịch sử 62,2% vào cuối năm ngoái, tuy nhiên vẫn là mức cao so với nhiều năm trước đại dịch. Nếu so với thu nhập khả dụng, tính đến cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã lên mức 130,9% thu nhập khả dụng, một con số đáng báo động.
Hồi tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC đã gây bất ngờ khi điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại (RRR), qua đó bơm khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (154,6 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế trong dài hạn. Các nhà phân tích nhận định động thái này nhằm giảm chi phí vay ngân hàng, qua đó giảm áp lực lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như lĩnh vực kinh tế tư nhân - lĩnh vực tạo ra đa số việc làm trong nền kinh tế. Việc cắt giảm này cũng được coi là một nỗ lực nhằm gỡ khó cho thị trường lao động, xoa dịu sức ép khi nợ hộ gia đình ở mức cao như hiện tại.
Đối với gia đình cô Zeng, việc cắt giảm RRR là một tin tốt do việc tăng thanh khoản có thể có lợi cho thị trường nhà ở Thâm Quyến. Cô Zeng và chồng hiện đang kỳ vọng bán căn chung cư 3 phòng ngủ hiện tại để thu về khoảng 8-9 triệu tệ, trang trải bớt gánh nặng nợ ngân hàng lúc này. Chồng cô Zeng cho hay: “Trong hai năm qua, các gia đình trung lưu và giàu có mà tôi quen biết đều cố gắng tăng cường huy động dòng vốn để đầu tư vào các tài sản như bất động sản hay chứng khoán… Các khoản vay đang chồng chất lên nhau, nhưng nếu bạn không tìm cách đầu tư để tăng tài sản, bạn sẽ tụt hậu. Tất nhiên có nhiều rủi ro, nhưng không ai không vay nợ cả”.
Theo báo cáo “Phân tích tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2021 và dự báo giữa năm” của Viện nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, trong 5 tháng đầu năm 2021, nợ hộ gia đình - bao gồm cả các khoản vay ngắn, trung và dài hạn - tiếp tục tăng cao. Các khoản vay nợ mới trong cùng kỳ tại khu vực kinh tế hộ gia đình lên tới 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 0,7 nghìn tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2019.
Nợ trong lĩnh vực doanh nghiệp của Trung Quốc cũng ở mức cao nhất trong những năm gần đây và tương đương cùng kỳ năm 2020, cũng theo báo cáo.
Raymond Hu, giám đốc một công ty in ấn và dịch thuật ở Quảng Châu, là một trong số những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đi vay để duy trì doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Hồi tháng 6, ông đã thế chấp căn hộ 3 triệu nhân dân tệ của mình để giữ cho công ty tiếp tục hoạt động. Theo Raymond Hu, công ty của ông đã lỗ khoảng 1 triệu tệ kể từ đầu đại dịch đến nay.
Một tín hiệu lạc quan là nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng tăng nợ hộ gia đình sẽ chậm lại. Chẳng hạn, Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định:“Chúng tôi dự báo nợ hộ gia đình Trung Quốc có thể ngừng tăng vọt trong phần còn lại của năm”, đặc biệt là sau khi chính phủ công bố các biện pháp mới nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Nhìn chung, bất chấp những rủi ro tài chính từ gánh nặng nợ, các hộ gia đình trong cuộc phỏng vấn của tờ SCMP đều tỏ ra lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của đất nước sau đại dịch. Cô Jane Zeng cho hay: “Đà tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc là điều mang đến cho chúng tôi sự tự tin dù đang nợ nần chồng chất”.