Vì sao kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là tin xấu với các đồng tiền châu Á?
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu ròng hàng hóa từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Do đó, khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm đi, tiền tệ của các quốc gia ASEAN này sẽ chịu tác động trực tiếp. Theo các nhà phân tích, nhìn chung đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có vai trò như một “mỏ neo” quan trọng trên thị trường ngoại hối khu vực trong bối cảnh các nền kinh tế lân cận, từ Đông Á đến Đông Nam Á đều có liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng phức tạp.
Tiền tệ suy yếu sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Nhưng nó cũng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện quan trọng vào các thị trường này, qua đó làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp.
Theo ông Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ các thị trường mới nổi tại HSBC, nhìn lại lịch sử nhiều năm qua, các đồng tiền châu Á có xu hướng di chuyển song song với đồng nhân dân tệ khi đà tăng trưởng đạt đỉnh. “Đây là một xu hướng cần theo dõi vì nó có thể gây tác động lớn với các loại tiền tệ trong khu vực, vốn rất nhạy cảm với biến động của đồng nhân dân tệ… Niềm tin giảm đi với triển vọng một số nền kinh tế ASEAN có thể sẽ thúc đẩy nhà đầu tư trong nước tìm đến các tài sản nước ngoài”.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế lớn dẫn đầu xu hướng phục hồi toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã giảm từ mức 50,9 hồi tháng 6 xuống chỉ còn 50,4 trong tháng 7. Con số duy trì trên mức trung lập 50, phản ánh sự mở rộng hoạt động sản xuất, tuy nhiên với tốc độ ngày một chậm rãi. Đây cũng là tháng mà Trung Quốc ghi nhận chỉ số PMI thấp nhất kể từ thời điểm tháng 2/2020, khi chính phủ Bắc Kinh phong tỏa hàng loạt tỉnh thành để kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Hàng loạt yếu tố như chi phí nguyên liệu thô tăng vọt, thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt kinh hoàng… là những nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc cũng giảm xuống mức 53,3, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Bernard Aw, nhà kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Coface nhận định: “Sự chậm lại của đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ làm gia tăng yếu tố bất ổn trong kinh doanh cũng như mài mòn niềm tin nhà đầu tư trong khu vực. Các nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những nền kinh tế hội nhập sâu rộng trong chuỗi sản xuất châu Á”.
Sue Trinh, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Manulife Investment Management cho biết một số quốc gia châu Á đang dựa vào xuất khẩu như động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh hoạt động sản xuất và nhu cầu trong nước vẫn phục hồi chậm chạp. “Đó là một lỗ hổng lớn, vì đà tăng trưởng kinh tế của các nước này bị phụ thuộc vào nhu cầu của nước ngoài. Một khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước trong khu vực cũng sẽ giảm theo. Về vấn đề này, các quốc gia trong khối ASEAN dễ bị tác động nhất do khối này ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu từ thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây”.
Năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại số một của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 4,74 nghìn tỷ nhân dân tệ (733,6 tỷ USD), tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù Trung Quốc cũng nhập khẩu lượng lớn ô tô, thiết bị linh kiện và máy móc công nghệ cao từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, nhưng Aidan Yao, nhà kinh tế cấp cao phụ trách các thị trường châu Á mới nổi tại AXA Investment Managers nhận định Mỹ và EU nhìn chung có thâm hụt thương mại với Trung Quốc, nghĩa là Trung Quốc xuất khẩu ròng sang các thị trường này. Tương tác thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á, đặc biệt là ASEAN cũng phức tạp, chặt chẽ hơn liên kết thương mại của Trung Quốc với Mỹ và EU, theo bà Yao. Do đó nhìn chung, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, đồng nhân dân tệ có thể trượt giá trước đồng USD và Euro.
Nhà phân tích Paul Mackel tại HSBC dự báo tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ sẽ giảm khoảng 2% vào cuối năm nay, từ mức 6,47 nhân dân tệ đổi 1 USD hiện tại xuống khoảng 6,60 nhân dân tệ đổi 1 USD.