Công khai đối tượng bỏ cọc đấu giá đất có ngăn được trục lợi, "thổi giá"?
Công khai đối tượng bỏ cọc đấu giá đất có nên hay không?
Theo đó, giải pháp công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu các huyện thực hiện trong bối cảnh hoạt động đấu giá đất "nóng" lên trên địa bàn. Cụ thể, UBND cấp huyện phải lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền.
Danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường. Công an thành phố có trách nhiệm phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá đất, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao "bất thường" để trúng đấu giá nhưng sau đó không nộp tiền.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.
Thậm chí, sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc, gây dư luận không tốt tại một số địa phương. Trong bối cảnh, một số địa phương sử dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm chênh lệch lớn. Mức giá khởi điểm thấp đã thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024.
Công khai danh tính người bỏ cọc đấu giá đất là cần thiết nhưng chưa đủ
Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng trúng đấu giá xong bỏ cọc ảnh hưởng đến cuộc đấu giá, khiến cơ quan chức năng lại mất thêm thời gian để tổ chức đấu giá lại, kế hoạch sử dụng tiền từ hoạt động đấu giá bị ảnh hưởng. Các cuộc đấu giá tiếp theo lần sau cũng sẽ khó thành công bởi ảnh hưởng tâm lý từ các phiên đấu giá trước đó với giá trúng giá rất cao. Do đó, việc công khai danh tính người bỏ cọc là cần thiết.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội khẳng định hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá. Dù việc công khai thông tin là biện pháp hữu hiệu song để ngăn chặn hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường thì cần biện pháp mạnh hơn.
"Nhà đầu tư hay đầu cơ thì khi thấy lãi là đầu tư, còn việc công bố thông tin nếu như không có biện pháp nào đó nó mạnh hơn thì có lẽ nó chưa giải quyết được vấn đề. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem xét năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá, phải chứng minh nếu trúng đấu giá thì nguồn tiền ở đâu. Ngoài ra cần tính đến các công cụ thuế để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất", ông Điệp chia sẻ.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc công khai danh tính những người trả giá cao rồi bỏ cọc là cần thiết để thực hiện các giải pháp phòng ngừa và là cơ sở áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tham gia đấu giá tài sản.
"Việc xác minh thông tin và công khai danh tính của những người bỏ cọc trong các cuộc đấu giá vừa qua là một trong những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để kiểm soát được thị trường bất động sản khiến cho thị trường này hoạt động một cách lành mạnh theo quy luật thị trường, theo tôi cần phải hoàn thiện chính sách và pháp luật. Đặc biệt là phải luật hóa khái niệm "thao túng thị trường bất động sản" để có những quy định về quản lý cũng như có những chế tài xử lý đối với hành vi này", ông Cường chia sẻ.
Ngày 16/9, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai xác nhận có tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tại phiên ngày 10/8. Theo đó, có tới 55 lô đất bỏ cọc trong số 68 lô trúng đấu giá, bao gồm cả lô trúng giá 100,5 triệu đồng/m2. Trong số 13 lô đất nộp đủ tiền, giá cao nhất chỉ là hơn 55 triệu đồng/m2.
Đối với phiên đấu giá đất huyện Hoài Đức ngày 19/8, UBND huyện cho biết, chỉ có đã có 6 khách trúng đấu giá 11 thửa đất nộp đầy đủ tiền sử dụng đất theo quy định, còn 8 thửa đất chưa được nộp tiền (chiếm hơn 42% tổng số thửa đất trúng đấu giá).