Công ty vốn hóa lớn nhất hành tinh báo cáo lợi nhuận ròng quý I giảm 25% khi giá dầu rớt thảm
Trong một báo cáo tài chính phát hành hôm 12/5, Saudi Aramco báo cáo lợi nhuận ròng giảm mạnh từ 83,3 tỷ riyal (16,6 tỷ USD) trong quý I/2019 xuống 62,5 tỷ riyal trong năm nay. Mức giảm chủ yếu do giá dầu thô trượt mạnh trong thời gian qua do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm suy yếu nhu cầu dầu.
Mặc dù lợi nhuận giảm mạnh như vậy, Saudi Aramco vẫn trả cổ tức lên tới 18,75 tỷ USD trong quý I. Trước đó, công ty đã cam kết trả cổ tức lên tới 75 tỷ USD hàng năm trong 5 năm trước khi công khai chào bán. Ngay cả khi Saudi Aramco cắt giảm chi tiêu vốn trong hoàn cảnh khó khăn, công ty vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả cổ tức như vậy.
Saudi Aramco cũng cho hay dòng tiền tự do trong quý I của doanh nghiệp khoảng 56,3 tỷ riyal, giảm so với mức 65,1 tỷ riyal hồi năm ngoái.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Saudi Aramco, ông Amin Nasser cho hay: “Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 không giống như bất kỳ điều gì thế giới từng trải qua trong những năm gần đây. Chúng tôi đang phải thích nghi với môi trường kinh doanh phức tạp và biến động nhanh chóng”. “Aramco đã thể hiện khả năng phục hồi từ các chu kỳ kinh tế và vươn lên với vị thế vô song nhờ bảng cân đối kế toán mạnh mẽ và cơ cấu chi phí thấp”.
Báo cáo tài chính của Saudi Aramco được tung ra trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh chưa từng thấy sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch làm tê liệt nhiều nền kinh tế. Nhà phân tích Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting thậm chí cho rằng: “Quý II là khoảng thời gian chúng ta sẽ bắt đầu thấy những ảnh hưởng đầy đủ của cuộc khủng hoảng dịch bệnh và cú sốc cầu với Saudi Aramco”.
Ellen Wald, tác giả cuốn Saudi Inc. chỉ ra rằng báo cáo tài chính quý I của Saudi Aramco chỉ bao gồm những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ. “Chúng ta phải nhớ rằng báo cáo tài chính quý I chỉ bao gồm 3 tuần trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay. Nó chưa bao gồm tháng 4 (tháng mà hợp đồng dầu WTI xuống ngưỡng âm còn Saudi Aramco thì nâng sản lượng dầu quá mức trong nỗ lực cứu vãn doanh thu”.
Tính đến hết phiên giao dịch 11/5, giá dầu Brent giảm hơn 50% so với hồi đầu năm, giao dịch dưới 30 USD/ thùng trong khi hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ có thời điểm giao dịch ở mức góa -37,63 USD/ thùng hồi tháng 4.
Saudi Arabia trong cùng ngày đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ ngày kể từ tháng 6, tương đương 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Trong khi đó, Saudi Arabia đã tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khổng lồ 9,7 triệu thùng của OPEC+, có hiệu lực từ tháng 5 vừa qua. Mức cắt giảm như vậy sẽ đưa sản lượng dầu của nước này xuống 7,5 triệu thùng/ ngày, tứ giảm tới 40% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 4.