Covid-19 “quật ngã” doanh nghiệp, ngân hàng muốn “cứu” nhưng...

17/06/2021 15:04 GMT+7
Đại dịch Covid-19 tái bùng phát khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “không có dòng tiền trả nợ”, thậm chí đối diện nguy cơ có thể bị siết nợ thu hồi tài sản.

Covid-19 tiếp tục "quật ngã" nhiều doanh nghiệp, muốn ngân hàng "giải cứu"

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, có 59.800 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Tính trung bình mỗi tháng, có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Bà Bùi Lan Phương, giám đốc công ty TNHH Song Toàn (Bắc Ninh) chia sẻ, năm 2019 doanh nghiệp tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới, để đáp ứng số lượng đơn hàng tăng gần gấp đôi, bà vay ngân hàng 10 tỷ xây thêm nhà máy.

Đầu tháng 1/2020 nhà máy đi vào hoạt động, chưa được 1 tháng thì dịch Covid-19 ập đến. Cũng từ đó đến nay, nhà máy mới xây thêm "đắp chiếu". Khách hàng cũ, lẫn khách hàng mới cắt giảm đơn hàng mạnh khiến dòng tiền vào nhỏ giọt.

"Doanh nghiệp chật vật tồn tại, trong khi đó nhân viên xử lý nợ của ngân hàng gọi điện giục tôi bán tài sản thế chấp là nhà máy để trả nợ. Nhưng đó là điều tôi không hề muốn. Dịch là bất khả kháng, chỉ mong ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ nữa để có sức cầm cự tới lúc dịch được kiểm soát, nhà máy hoạt động bình thường trở lại", bà Phương chia sẻ.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cũng lao đao trong đợt bùng phát mới của đại dịch. Mới đây, các hiệp hội vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

Chẳng hạn, về chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHTM xem xét, giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP.HCM đã đầu tư phương tiện, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TP.HCM phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2020 được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.

Covid-19 “quật ngã” doanh nghiệp, ngân hàng muốn “cứu” nhưng... - Ảnh 2.

Các hiệp hội vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. (Anhr: baogiaothong)

Ngày 15/6, Hiệp Hội Du lịch TP HCM cũng đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với các đơn vị, cơ quan Nhà nước vể việc mở rộng Thông tư số 03/2001/TT-NHNN ngày 2/4/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do đại dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, hiện nay dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03/TT-NHNN quy định, thì doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ.

Bởi ngành du lịch lại tiếp tục lao đao và chưa thể hồi phục ngay, nhiều doanh nghiệp bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... cho các ngân hàng đúng quy định.

Trong khi đó, ngành du lịch cũng chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế vào lúc nào khi dịch bệnh vẫn đang diễn, điều này khiến doanh nghiệp du lịch khó càng thêm khó.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp đề xuất cho phép doanh nghiệp được vay lại tiền ký quỹ không lãi suất; xem xét tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giảm và gia hạn thời gian trả nợ vay; tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay... cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Ngân hàng muốn "cứu" nhưng cần tiêu chí rõ ràng

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước.

Trong khi đó, "sức khoẻ" của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận tải… đã yếu đi rất nhiều từ 3 đợt dịch trước đó. Do đó, sự "chống cự" ở thời điểm này vô cùng yếu ớt.

Trước thực trạng kể trên, NHNN đã rất nhiều lần yêu cầu các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19.

Covid-19 “quật ngã” doanh nghiệp, ngân hàng muốn “cứu” nhưng... - Ảnh 4.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khách hàng. (Ảnh: LT)

Trong văn bản ban hành đầu tháng 6/2021, "mệnh lệnh" của NHNN một lần nữa được lặp lại. Ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, NHNN đặc biệt yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khách hàng.

Về phía các ngân hàng thương mại, số lượng doanh nghiệp gửi đơn đến ngân hàng xin được giảm lãi vay và khoanh nợ rất lớn – theo tiết lộ của lãnh đạo một NHTM cổ phần có quy mô lớn.

Tuy nhiên, ngân hàng phải xem xét từng trường hợp cụ thể để có đồng ý với các kiến nghị của doanh nghiệp hay không? Bởi ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, dòng vốn cho vay phải huy động từ dân, nên ngân hàng kinh doanh phải đảm bảo sự an toàn và sinh lời của dòng tiền.

Dưới góc nhìn phân tích, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tạo thuận lợi cho ngân hàng thực hiện chủ trương giãn nợ, cơ cấu nợ, NHNN cần có tiêu chí cụ thể để các nhà băng dễ dàng thực hiện giãn nợ cho khách hàng, và giúp chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng.

"Chính sách giãn, tái cơ cấu nợ về nguyên tắc chỉ áp dụng cho các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì các NHTM có thể sẽ thực hiện không giống nhau và có thể có yếu tố chủ quan khi xác định đối tượng", ông Hiếu nói.

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng vì việc giãn nợ nếu thực hiện chủ quan và dễ dãi, không đúng đối tượng có thể dẫn đến những ảnh hưởng khác, ví dụ sẽ làm cho báo cáo tài chính của các ngân hàng trở nên đẹp hơn về mặt hình thức (nhưng hoạt động ngân hàng không tốt lên về bản chất).

Thực tế, một số ngân hàng hiện nay vẫn còn tình trạng lợi nhuận ảo, lãi dự thu cao, nên một khi thời hạn cơ cấu kết thúc, nợ tiêu chuẩn hóa thành nợ xấu, thì những ngân hàng này sẽ khó tránh khỏi cú sốc.

Về lâu dài, để giải quyết câu chuyện nợ xấu "ẩn nấp" và "cấp cứu" doanh nghiệp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, cần ban hành chính sách khoanh nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 với thời hạn 2 năm, giống như Chính phủ đã ban hành chính sách khoanh nợ, giãn nợ với nông nghiệp trước đây.



H.Anh
Cùng chuyên mục