VNREA đề xuất Thủ tướng “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản mùa Covid-19
3 đề xuất nhằm "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đưa ra 3 đề xuất về việc xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của dịch bệnh Covid-19, cụ thể:
Thứ nhất, Hiệp hội đề xuất bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.
Thứ hai, VNREA đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, đề xuất xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.
Địa ốc "lao đao" mùa Covid-19
Theo đánh giá của Hiệp hội, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh này đã tạo ra những thách thức lớn với ngành bất động sản trong nước, làm sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc.
Cũng theo VNREA, doanh nghiệp bất động sản phải chịu nhiều khoản chi phí cố định gồm lãi vay, chi phí đầu tư, vốn... Do dịch Covid-19, các doanh nghiệp này đồng thời phải gánh thêm chi phí phát sinh như hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian... Không những vậy, tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản như quảng bá tiếp thị, bán hàng bị hủy bỏ do tránh các sự kiện đông người. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không đến sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin dự án.
Không chỉ vậy, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và bất động sản thuê cũng "ngấm đòn" Covid-19. VNREA chỉ ra việc nhiều mặt mặt bằng thương mại đã bị khách thuê trả lại do nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không có khách. Đồng thời, các căn hộ dịch vụ cho khách cư trú ngắn hạn, khách nước ngoài thuê để ở cũng bị trả do vấn đề hạn chế đi lại nên không còn khách du lịch, khách đi công tác.
Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế cũng tác động đến thu nhập của đại bộ phận nhân dân, hoạt động mua bất động sản để ở hoặc đầu tư đang bị dừng. Do thu nhập giảm, khách hàng cũng gặp khó khăn trong việc vay ngân hàng để đầu tư bất động sản. Điều này khiến cho các doanh nghiệp địa ốc hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới.
Do đó, VNREA cho rằng, nếu được xem xét, hỗ trợ các chính sách nêu trên, các doanh nghiệp bất động sản sẽ chủ động cơ cấu lại nguồn vốn, các dự án đầu tư và sẽ nhanh chóng hồi phục tăng trưởng ngay sau khi chấm dứt đại dịch.