"Cú sốc" thuế 456% có khiến cổ phiếu ngành thép lao đao?

06/07/2019 21:47 GMT+7
Quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan, Hàn Quốc không phải là tín hiệu đáng lo ngại đối với ngành thép trong nước.

Theo một chuyên gia, quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan, Hàn Quốc không phải là tín hiệu đáng lo ngại đối với ngành thép trong nước.

Thép Việt dùng nguyên liệu trong nước không bị Mỹ áp thuế 

Ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 456% đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Vụ việc này được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016.

Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp

Trước thông tin này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đây là động thái mạnh từ phía Mỹ khi họ có nghi ngờ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu nhưng chưa rõ nguồn gốc nguyên liệu. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của Trung Quốc, sẽ rất dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc thuê gia công sản phẩm tại nước thứ 3 để xuất khẩu với mục đích lẩn tránh thuế.

Tuy nhiên, đối với quyết định của DOC, một số doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.

Một người có nhiều năm hoạt động trong ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, quyết định áp thuế của Mỹ đối với một số mặt hàng thép Việt Nam cũng sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước.

Bởi theo ông Sưa, việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu). Năm 2018, Formosa đã sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn nên là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, cần có có khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế. Ngành thép Việt Nam từ lâu cũng đã chủ động trước động thái này từ các quốc gia nhập khẩu nên đã đa dạng hóa thị trường, lượng thép xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 sang Mỹ cũng đã có mức giảm nhiều so với trước.

Còn ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương cho hay, phần lớn nằm ở một số doanh nghiệp FDI lấy nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan... rồi gia công thành sản phẩm, và bán sang Mỹ. Doanh nghiệp thép Việt Nam đã biết điều này nên có sự chuẩn bị nhất định từ năm ngoái. Theo ông, nếu doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng trong nước, hoặc nước không bị Mỹ đánh thuế thì vẫn bán được sản phẩm sang Mỹ.

Về phía các doanh nghiệp, Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Ống thép Hòa Phát cho biết, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Bởi việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cán nguội và thép không gỉ là những mặt hàng mà từ trước đến nay doanh nghiệp chưa xuất khẩu.

Hơn nữa theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, về mặt tổng thể, tập đoàn này không xuất khẩu quá nhiều sản phẩm thép cũng như không áp dụng chính sách "bỏ trứng vào một giỏ" nên tỷ lệ xuất khẩu của Hòa Phát là không lớn và những mặt hàng do DOC đưa ra không nằm trong danh mục xuất khẩu mục của Hòa Phát.

Vì sao cổ phiếu ngành thép liên tục đi xuống?

Đúng như dự báo của một số chuyên gia, do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép còn khó khăn, cổ phiếu nhóm ngành thép sẽ phân hóa mạnh và chưa thế bứt phá trong năm 2019.

Dự báo này được đưa ra sau quyết định của chính quyền Trump đánh thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ tháng 5/2018 đã làm tăng khó khăn cho ngành thép Việt Nam. Bằng chứng là, kết thúc quý 4/2018, 11 doanh nghiệp thép niêm yết trên hai sàn HNX và HSX ghi nhận tổng doanh thu 135.552 tỷ đồng, tăng 23% so so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 6% về mức 8.277 tỷ đồng.

Trải qua năm 2018 với nhiều khó khăn, bước sang năm 2019, không chỉ riêng Công ty CP Thép Việt Ý (HOSE: VIS), mà một số tên tuổi "đình đám" như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), thậm chí là Hòa Phát (HPG)... vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn, khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này "lao đao".

Ảnh minh họa.

Tính trong vòng 1,5 năm qua, giá trị giao dịch cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát đã giảm hơn 35% từ mức 34.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) xuống còn hơn 22.000 đồng/cổ phiếu.Vốn hóa trên sàn của Tập đoàn Hòa Phát vì vậy cũng bốc hơi khoảng 33.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, trong phiên 3/7, sau khi giới đầu tư nghe tin Mỹ áp thuế 456% đối với sản phẩm thép có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan, sau đó chuyển qua Việt Nam để gia công không đáng kể và cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ, cổ phiếu HPG đã giảm khoảng 2%. Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu cùng ngành thép và tôn cũng giảm giá, HSG giảm 2%; NKG giảm 1,6%; VGS giảm 1,2%.

Theo CTCK Rồng Việt, nhịp điều chỉnh trên sàn HoSE gần như sắp kết thúc và sẽ có cơ hội tăng điểm trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý dòng tiền đi vào thị trường ở các phiên giao dịch tiếp theo có tích cực hay không, để xem xét mức độ giải ngân phù hợp trong ngắn hạn.

Thị trường sẽ giao dịch tích lũy quanh vùng hỗ trợ trung hạn 962 điểm đồng thời tạo nền bứt phá kênh giá giảm 3 tháng hiện tại trong bối cảnh mùa báo cáo Quý 2 đang cận kề. Dòng tiền sẽ có xu hướng phân hóa, tập trung tại các nhóm cổ phiếu có kết quả báo cáo kết quả kinh doanh quý II khả quan.

Như vậy, rất khó có thể chờ đợi sự bứt phá của các doanh nghiệp ngành thép trong ngắn hạn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra các đây ít tháng, các cổ đông Hoà Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với chỉ tiêu doanh thu tăng 24% lên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% từ mức kỷ lục 8,6 ngàn tỷ trong năm 2018 xuống còn 6.700 tỷ đồng trong năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Sở dĩ Hòa Phát đặt kế hoạch thấp bởi lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại giá thép bán ra sẽ thấp hơn trong bối cảnh giá thép thế giới được dự báo xuống thấp. Trung Quốc đã giảm thuế để thúc đấy xuất khẩu thép.

Trong khi giá bán ra có thể giảm thì giá quặng sắt tăng mạnh đầu năm 2019, từ quanh mức 65 USD/tấn có lúc lên trên 90 USD.

Nhưng một yếu tố đáng lưu ý hơn là thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại. Lượng hàng hóa đổ dồn trong các năm trước đó có dấu hiệu lên đỉnh điểm trong 2018 và 2019 và các doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu giảm phát triển các dự án mới, trừ ông lớn đầu ngành Vingroup.

Thị trường bất động sản nhiều khá năng sẽ không còn sôi động và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi mà Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Trong khi Hoà Phát đang đầu tư dự án thép khổng lồ, trị giá 52.000 tỷ đồng tại Dung Quất, thì hoạt động có thể bị ảnh hưởng bởi đế chế thép Formosa Hà Tĩnh vừa đi vào hoạt động, dù lỗ lớn doanh thu đã vượt xa Hòa Phát với gần 3 tỷ USD.

Còn với Thép Nam Kim (NKG), bên cạnh việc đối mặt với những diễn biến khó lường của giá thép cũng như tình hình cung cầu không khả quan, Công ty hiện cũng mang rủi ro quản trị khi quy mô không lớn, sức khỏe tài chính không ổn định và giao dịch nhiều với các bên liên quan.

Sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, Thép Nam Kim ước đạt 120 tỷ đồng trong quý II/2019, lũy kế nửa đầu năm lãi ròng xấp xỉ 20 - 25 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá thép cán nóng (HRC) trung bình quý này không cao hơn nhiều so với quý đầu năm (557 USD/tấn so với 548 USD/tấn), mức lợi nhuận trên có được nhờ 2 khoản chuyển nhượng nhà máy Nam Kim 1 và phần vốn góp trong liên doanh Nam Kim Corea.

Ngoài ra, lãi ròng cải thiện một phần do tiết giảm mạnh chi phí lãi vay nhờ giảm nợ ngắn hạn, theo đó nhiều khả năng hoạt động kinh doanh cốt lõi trong của NKG chưa thực sự hồi phục.

Hiện tại giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của NKG đã rơi xuống mức 1.125 tỷ đồng, tương ứng 6.180 đồng/cổ phiếu ở thời điểm kết phiên 4/7/2019, thấp nhất kể từ tháng 4/2016 (giá đã điều chỉnh).

Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG), trong bối cảnh lợi nhuận sụt giảm tới 70%, Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ liên tiếp giải thể chi nhánh và công ty con thì mới đây vị đại gia này gây bất ngờ khi bỏ ra gần 5 tỷ đồng góp vốn để thành lập công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen.

Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ sẽ chi 4,9 tỷ đồng góp vốn theo hình thức mua cổ phần để thành lập công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen. Công ty này có quy mô vốn điều lệ khá khiêm tốn, chỉ 10 tỷ đồng, có trụ sở tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thông tin mà tập đoàn Hoa Sen, công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen có ngành nghề kinh doanh chính là "hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải," các hoạt động kinh doanh được mô tả chi tiết là dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải đường biển, cung ứng tàu biển, lai dắt tàu, kiểm đếm hàng hoá, logistics, khai thuế hải quan...

Ngoài ra, công ty CP Cảng quốc tế Hoa Sen còn kinh doanh thêm khoảng 30 ngành nghề khác bao gồm bán lẻ ô tô con, buôn bán nhiên liệu, vận tải hành khách (taxi, ven biển, thủy nội địa, viễn dương), du lịch, vận tải hàng hoá,...

Đây là thương vụ ngoài ngành đầu tiên kể từ đầu năm 2019 đến nay của Tập đoàn Hoa Sen, trong bối cảnh doanh nghiệp này đã giải thể gần 400 chi nhánh trong lộ trình tái cấu trúc nhằm tăng cường hiệu quả quản trị đối với hệ thống phân phối, góp phần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong công tác điều hành hệ thống phân phối, củng cố năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và không làm giảm số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường.

P.V
Cùng chuyên mục