Cùng tranh thị phần tỷ USD, lộ dấu hiệu cho thấy chuỗi Katinat và Phê La là "gà cùng một mẹ"?
Cuộc chiến khốc liệt tranh thị phần tỷ USD
Theo báo cáo thực hiện bởi Momentum Works, đơn vị này nhận định cơn sốt trà sữa đã tạo ra một thị trường gần 3,7 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, thị trường Việt Nam đứng thứ ba với quy mô hơn 360 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, thị trường này có thể coi là miếng "mồi" béo bở, luôn thu hụt các thương hiệu mới gia nhập thị trường Việt Nam.
Thống kê của Mibrand, Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại với doanh thu 1,46 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ sau Đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng của người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ngày càng rõ.
Nhiều thương hiệu phải tăng cường khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhằm thu hút khách hàng. Dù vậy, sức mua vẫn còn nhiều hạn chế.
Dữ liệu từ iPos.vn cho thấy, nửa năm đầu 2024 thị trường ngành F&B vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn đến từ kinh tế chung. Tính tới tháng 7/2024 Việt Nam ghi nhận có gần 304.700 cửa hàng, giảm gần 4% so với hồi cuối năm 2023. Theo đó, ít nhất 30.000 cửa hàng đã phải đóng cửa trong nửa năm đầu của 2024.
Ngoài các thương hiệu "đình đám" vẫn giữ vững phong độ như Highlands, Phúc Long,... thời gian gần đây, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của hai "tân binh" là cà phê Katinat và trà sữa ô long Phê La.
Ngay cả trong thời điểm khó khăn, hai thương hiệu này vẫn liên tục khai trương nhiều cửa hàng tại những vị trí đắc địa.
Dẫn ví dụ, dù được thành lập từ năm 2016 nhưng phải đến cuối năm 2021, Katinat mới thực sự trở thành một tên tuổi nổi bật trên thị trường chuỗi đồ uống Việt với 10 cửa hàng.
Thống kê của Mibrand tại năm 2023, Katinat đã tăng lên 55 cửa hàng. Cập nhật ngày 23/8 tại website katinat, chuỗi cà phê này đã tăng lên 78 cửa hàng, tương ứng tăng 23 cửa hàng.
Thương hiệu Phê La và Katinat là "gà cùng một mẹ"?
Đặc biệt, thời gian gần đây, cộng đồng phát hiện loạt điểm chung giữa Phê La và Katinat. Cụ thể, một số vị trí tuyển dụng nhân viên cho chuỗi Phê La nhưng lại do D1 Concepts Corporation - Công ty sở hữu chuỗi Katinat đăng tuyển. Hay việc cả hai chuỗi cà phê trong cùng một thời điểm đều thay đổi với sự xuất hiện của ly đổi màu.
Qua đó, cộng đồng mạng xôn xao trước nghi vấn: Hai thương hiệu này có mối quan hệ mật thiết nào hay không?
Tại website của Katinat, đơn vị này giới thiệu hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0316612746 do Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 27/11/2020.
Đối chiếu với dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, mã giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 0316612746 là của CTCP Café Katinat.
Café Katinat được thành lập ngày 27/11/2020. Trụ sở chính đặt tại 91 Đồng Khởi, p. Bến Nghé, q. 1, TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực phục vụ đồ uống với vốn điều lệ 38 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sáng lập cho thấy, bà Trương Nguyễn Thiên Kim là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 84,211% vốn điều lệ của Café Katinat.
Hai cổ đông còn lại bà Lê Ngọc Khánh và ông Đinh Việt Hà, mỗi người sở hữu 7,895% vốn của Café Katinat.
Tại thời điểm thành lập, ông Đinh Việt Hà (SN 1978) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Về chuỗi trà sữa ô long, Phê La ra mắt thị trường với cửa hàng đầu tiên trên đường Phạm Ngọc Thạch - Hà Nội vào tháng 3/2021 với slogan quen thuộc "Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt".
Bắt đầu đúng thời điểm căng thẳng của Đại dịch Covid-19 nhưng chỉ trong vòng 1 năm sau đó, Phê La đã nhanh chóng mở được 15 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Lạt.
Theo thông tin tại website phela.vn, bản quyền của website thuộc về CTCP Phê La (mã số doanh nghiệp 0317601095).
Dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, CTCP Phê La được thành lập ngày 9/12/2022. Trụ sở chính đặt tại đường Trần Nguyên Đán, p. 3, q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm thành lập, Phê La có vốn điều lệ 180 tỷ đồng và bà Trương Nguyễn Thiên Kim là cổ đông sáng lập chi phối 51% vốn của Phê La (góp 91,8 tỷ đồng).
Hai cổ đông sáng lập còn lại là bà Nguyễn Hạnh Hoa, ông Nguyễn Hoàng lần lượt sở hữu 36% và 13% vốn của Phê La.
Ông Nguyễn Hoàng (SN 1989) đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Như vậy, không ngoại trừ khả năng Katinat và Phê La là "gà cùng một mẹ" bởi bà Trương Nguyễn Thiên Kim đều chi phối trên 50% vốn điều lệ của 2 doanh nghiệp đứng sau chuỗi này.
Dữ liệu cho thấy, doanh nhân nhân Trương Nguyễn Thiên Kim sinh ngày 28/11/1976. Quê quán Quảng Ngãi. Bà Kim tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế T.P Hồ Chí Minh với bằng Thạc sỹ Tài chính, Lưu thông tiền tệ và Tín dụng; tốt nghiệp cử nhân ĐH Kinh tế T.P Hồ Chí Minh ngành Tài chính – Ngân hàng.
Hiện tại, ngoài Katinat và Phê La, bà Kim đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau ở các doanh nghiệp khác.