Casper Việt Nam báo lãi cao bất ngờ, nợ phải trả hơn 2.600 tỷ đồng
Với việc đạt lãi sau thuế hợp nhất 47,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, Casper Việt Nam tương ứng báo lãi sau thuế gần 260 triệu đồng mỗi ngày. Con số này có thể coi là điểm sáng bất ngờ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp điện tử, điện lạnh, điện gia dụng nói riêng gặp khó khăn vì chi phí vật liệu, tỷ giá, chi phí logistics tăng mạnh.
Vốn chủ sở hữu của Casper Việt Nam tăng gần 9% lên gần 615 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 7,7%, cải thiện so với con số 6,2% của cùng kỳ năm trước.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tính đến cuối tháng 6 là 4,28 lần, tương ứng nợ phải trả vào khoảng 2.632 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của Casper Việt Nam ở mức 3.246 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024.
Về khoản nợ phải trả vẫn khá cao là 2.632 tỷ đồng gấp hơn 4 lần vốn chủ, ông Phạm Đức Việt - Giám đốc tài chính của Casper Việt Nam lý giải rằng, mức nợ này chủ yếu đến từ các khoản phải trả nhà cung cấp và vay ngân hàng. Và đây là con số phù hợp với đặc thù kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh, điện gia dụng.
Điều đáng nói, dư nợ trái phiếu của Casper Việt Nam đã không còn. Trước đó, Casper Việt Nam huy động một lô trái phiếu duy nhất trị giá 300 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm. Cũng trong tháng 6 năm nay, Tập đoàn Casper Việt Nam đã mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu này.
Để có kết quả kinh doanh khả quan, doanh thu và sản lượng ngành tủ lạnh của Casper Việt Nam tăng 181% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, công ty này cũng liên tục giữ vững vị thế top 2 về thị phần điều hòa nhiều năm tại Việt Nam.
Casper là một thương hiệu đa quốc gia với chi nhánh và mạng lưới phân phối tại nhiều thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Lào.
Casper Việt Nam là đại diện độc quyền phân phối và dịch vụ các sản phẩm mang thương hiệu Casper tại thị trường Việt Nam như điều hòa, tủ lạnh, tivi, máy giặt, máy lọc không khí.
CTCP Tập đoàn Casper Việt Nam thành lập vào tháng 04/2021 với vốn điều lệ ban đầu 119,76 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ban đầu bao gồm CTCP CHG Holding Việt Nam chiếm 16,032%, ông Nguyễn Viết Chung (Tổng Giám đốc) sở hữu 32,732%, cùng các cổ đông khác như ông Nguyễn Viết Chiến (19,973%), ông Nguyễn Minh Phương (20,341%), ông Nguyễn Trọng Đước (0,301%), và ông Nguyễn Trương Thành (10,621%).
Sau đó công ty nhiều lần thay đổi vốn và cơ cấu cổ đông có sự gia nhập của nước ngoài. Đến giữa tháng 2/2024, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên hơn 162 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29,452%, bao gồm Hanoi Investments Holdings Limited (15,543%), Menang Investments Pte. Ltd. (5,181%), và Vietnam Growth Investment Fund L.P. (7,324% - ủy quyền cho bà Lê Thị Lệ Hằng).