Cuộc đàm phán của OPEC+ rơi vào ngõ cụt, giá dầu có thể quay đầu giảm
Liên minh năng lượng OPEC+ đã tiếp tục các cuộc đàm phán vào hôm 5/7 nhưng cuối cùng không có thỏa thuận nào về sản lượng dầu từ nay đến cuối năm được đưa ra. Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra trong tương lai ở một thời điểm thích hợp, điều này đồng nghĩa thỏa thuận nới sản lượng dầu đứng trước nguy cơ bị đình chỉ vô thời hạn.
Hôm 2/7, OPEC+ đã bỏ phiếu về một đề xuất tăng 400.000 thùng dầu/ ngày vào thị trường từ tháng 8 đến tháng 12/2021, đảo ngược phần nào mức cắt giảm sản lượng kỷ lục vào năm ngoái khi đại dịch gây áp lực lên nhu cầu dầu. Các thành viên OPEC+ cũng đề xuất kéo dài việc nới sản lượng cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã từ chối những đề xuất này dẫn đến OPEC+ không đạt được sự đồng thuận cuối cùng ngay cả khi kéo dài đàm phán đến hết 5/7.
Cụ thể, phía UAE phản đối việc gia hạn thỏa thuận nới sản lượng dầu, chỉ đồng ý nâng sản lượng trong ngắn hạn. “UAE muốn nâng sản lượng dầu có điều kiện, theo nhu cầu của thị trường” - Bộ trưởng Năng lượng UAE al-Mazrouei trả lời trên Bloomberg, đồng thời khẳng định việc gia hạn thỏa thuận nới sản lượng từ nay đến năm 2022 là không cần thiết.
Trong khi đó, Saudi Arabia đại diện cho ý kiến của các thành viên khác của OPEC+, bao gồm Nga thì khẳng định nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận nới lỏng sản lượng cho tới cuối năm 2022 để đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu.
Năm ngoái, khi giá dầu lao dốc do sức ép từ cả phía cung và cầu, OPEC+ đã thống nhất thông qua một đề xuất lịch sử cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ ngày trong nỗ lực bình ổn giá dầu. Thỏa thuận kéo dài từ tháng 5/2020 và được gia hạn đến cuối tháng 4/2022.
Nhưng kể từ khi các nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu mở cửa trở lại và nhu cầu dầu hồi phục, nhóm này đã dần đảo ngược chiến lược cắt giảm sản lượng này bằng cách từ từ tăng sản lượng dầu vào thị trường và tiến hành các cuộc họp hàng tháng để đưa ra chính sách sản lượng cho các tháng tiếp theo.
Việc đàm phán thất bại đồng nghĩa nhóm sẽ giữ nguyên giới hạn sản lượng dầu hiện tại trong tháng 8 và chỉ đưa thêm dầu vào thị trường chừng nào nhu cầu dầu phục hồi trở lại hậu đại dịch.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ANZ nhận định rằng việc OPEC+ không đạt được thỏa thuận nào trong tuần qua có nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của khối cũng như làm dấy lên quan ngại khả năng cung vượt quá cầu trên thị trường dầu. “Tôi nghĩ có một số rủi ro giảm giá đe dọa thị trường lúc này… Cho đến nay, sự thống nhất là lợi thế lớn nhất của liên minh năng lượng này trong 18 tháng qua. Bức tranh chung mà OPEC+ thể hiện với thị trường là sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc tuân thủ thỏa thuận. Chưa có nhà sản xuất nào tăng sản lượng ra thị trường… Nhưng giờ đây, rủi ro đó đang tăng lên khi có sự xung đột trong nội bộ OPEC+. Hiện UAE muốn tăng sản lượng nới lỏng cơ sở để có thể sản xuất nhiều dầu hơn”.
Azerbaijan, Kuwait, Kazakhstan và Nigeria cũng đã yêu cầu và được thông qua mức tăng sản lượng mới kể từ khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu vào năm ngoái, trích một nguồn tin thân cận của Reuters.
“Tôi nghĩ điều này mang lại rủi ro dư cung trên thị trường dầu trong trung hạn” - ông Daniel Hynes cho hay.
Dù dự báo nguy cơ giảm giá dầu, ông Hynes khẳng định không thấy có dấu hiệu một cuộc chiến giá dầu trong bối cảnh hiện tại.