Giá dầu thế giới lên mức kỷ lục trong 3 năm

06/07/2021 07:59 GMT+7
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua vào phiên giao dịch đêm qua trên sàn Mỹ sau khi các cuộc đàm phán của OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) không đem đến một thỏa thuận nào về sản lượng cho các tháng tiếp theo.

Hợp đồng tương lai dầu WTI của Mỹ tăng 1,56%, tương đương 1,17 USD, lên 76,33 USD / thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng 1,2%, tương đương 0,93 USD lên 77,10 USD / thùng.

Cuối tuần trước, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã tiến hành các cuộc thảo luận nhằm thiết lập chính sách sản lượng dầu từ nay đến cuối năm. Hôm 2/7, OPEC+ đã bỏ phiếu về một đề xuất tăng 400.000 thùng dầu/ ngày vào thị trường từ tháng 8 đến tháng 12/2021, đảo ngược phần nào mức cắt giảm sản lượng kỷ lục vào năm ngoái khi đại dịch gây áp lực lên nhu cầu dầu. Các thành viên OPEC+ cũng đề xuất kéo dài việc cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã từ chối những đề xuất này và các cuộc đàm phán kéo dài đến 5/7 mà không đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Giá dầu thế giới lên mức kỷ lục trong 3 năm - Ảnh 1.

Giá dầu thế giới lên mức kỷ lục trong 3 năm (Ảnh: Bloomberg)

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra trong tương lai ở một thời điểm thích hợp.

Tháng 4/2020, OPEC+ đã thống nhất thông qua một đề xuất lịch sử cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ ngày trong nỗ lực bình ổn giá dầu đang sụt giảm mạnh do cuộc khủng hoảng đại dịch. Kể từ khi các nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu mở cửa trở lại và nhu cầu dầu hồi phục, nhóm này đã dần đảo ngược chiến lược cắt giảm sản lượng này bằng cách từ từ tăng sản lượng dầu vào thị trường và tiến hành các cuộc họp hàng tháng để đưa ra chính sách sản lượng cho các tháng tiếp theo.

Cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu WTI của Mỹ tăng 57% kể từ đầu năm đến nay. Trước cuộc họp, các nhà phân tích phố Wall đã kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng dầu ra thị trường để kiềm chế sự tăng vọt của giá dầu.

Các nhà phân tích tại TD Securities viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Nếu sản lượng không tăng, nhu cầu tăng trưởng sắp tới sẽ gây áp lực lớn với thị trường năng lượng toàn cầu. Sự bế tắc này sẽ đẩy giá dầu cao hơn”.

Tuần trước, Goldman Sachs nhận định giá dầu Brent có thể dao động quanh ngưỡng bình quân trên 80 USD/ thùng trong quý III tới, thậm chí có tiềm năng tăng đột biến cao hơn dự báo nếu nhu cầu dầu toàn cầu tăng vọt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

JP Morgan thận trọng hơn khi dự báo giá dầu thô sẽ “đột phá” mốc 80 USD/ thùng vào quý IV năm nay.

Lạc quan nhất là các nhà phân tích tại Bank of America, những người dự báo rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào quý II/2022. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên giá dầu chạm mốc 3 chữ số kể từ năm 2014. 

Ông Tamas Varga, nhà phân tích dầu tại PVM Oil Associates nhận định rằng kho dự trữ dầu toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng đã giảm trong năm qua, đây là một yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng. “Xu hướng này sẽ kéo dài trong phần còn lại của năm.. Nó sẽ chỉ kết thúc đột ngột nếu các Ngân hàng Trung ương bắt đầu tăng lãi suất bất ngờ vì quan ngại lạm phát, hoặc nếu các nước OPEC và đồng minh tăng mạnh sản lượng dầu vượt quá nhu cầu. Một trường hợp khác, là khi Iran quay trở lại thị trường dầu (nhờ gia hạn được thỏa thuận hạt nhân) và OPEC không thể cân bằng thị trường. Tuy nhiên, trường hợp thứ ba khó mà xảy ra vào lúc này”.


NTTD
Cùng chuyên mục