Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận năm 2024 giảm 43%

20/12/2023 11:54 GMT+7
Mới đây, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt gần 795 tỷ đồng, giảm 43% so với kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, Đạm Cà Mau lên mục tiêu tài chính hợp nhất năm 2024 với tổng doanh thu đạt 11.878,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 841,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 794,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 12%, 42% và 43% so với kế hoạch năm 2023.

Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận năm 2024 giảm 43% - Ảnh 1.

Chỉ tiêu tài chính hợp nhất năm 2024 của Đạm Cà Mau.

Trong đó, sản lượt Urê sản xuất (quy đổi) là 882 nghìn tấn, NPK là 180 nghìn tấn, đạm chức năng là 110 nghìn tấn và phân bón tự doanh 248 nghìn tấn.

Theo thông tin công bố, ngày 10/1/2024 tới đây, Đạm Cà Mau sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023.

Trong quý III/2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.010 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 23,2%, lên mức 2.833 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp DCM ở mức 177,3 tỷ đồng, giảm 82,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính của DCM kỳ này gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ lên hơn 200 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của DCM đạt hơn 74 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả này, DCM cho biết dù sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý III/2023 tăng hơn 36% so với cùng kỳ tuy nhiên giá phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 616,5 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Đạm Cà Mau đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau hoàn thành 44% kế hoạch năm về lợi nhuận.

Tổng tài sản của DCM tính đến ngày 30/9 ở mức 14.714 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm 2023. Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp khi tăng từ 11.624 tỷ đồng lên 12.378 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng 54% lên 4.426 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng mạnh lên 292 tỷ đồng (đầu năm chỉ khoảng 2,6 tỷ đồng), hầu hết là khoản vay kỳ hạn 2 tháng với Vietcombank Thủ Thiêm để bổ sung nhu cầu vốn lưu động. Vay nợ dài hạn gần 1,4 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm.

Phiên sáng ngày 20/12, cổ phiếu DCM tăng gần 1% lên 31.400 đồng/cổ phiếu.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục