Đạm Phú Mỹ trình kế hoạch lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng, giảm 1/2 so với năm 2020
Theo đó, năm 2021, Công ty đặt ra kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 8.331 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đồng loạt giảm 48%, lần lượt đạt 437 tỷ đồng và 365 tỷ đồng.
Đồng thời, Công ty mẹ cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, kế hoạch này là tạm tính trên cơ sở giá khí giả định cho sản xuất Đạm Phú Mỹ.
PVFCCo chỉ được tiến hành chi trả cổ tức năm 2021 khi giá khí/cước phí vận chuyển khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ năm 2021 được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận.
Năm 2020, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.762 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Tuy nhiên nhờ chi phí giá vốn và các loại chi phí khác được tiết giảm, nên lợi nhuận sau thuế tăng mạnh đến 80,5%, lên mức 702 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 691 tỷ đồng.
Phía lãnh đạo DPM cho biết, năm 2020 tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề và đến sớm, cùng với lũ lụt phức tạp làm thiệt hại diện tích trồng lúa, cây trồng, làm cho nhu cầu về phân bón giảm. Bên cạnh đó ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, tồn kho phân bón cao.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của DPM đạt 11.300 tỷ đồng, không biến động lớn so với đầu năm. Cơ cấu tài chính của DPM khá lành mạnh, dư nợ dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn còn 150 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn còn 900 tỷ đồng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm).
Trong khi đó doanh nghiệp đang có 2.279 tỷ đồng tiền và khoản tương đương tiền và 1.935 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn.
Trước những khó khăn có thể sẽ tiếp tục gặp phải, năm 2021, Đạm Phú Mỹ đã đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu như vận hành nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde đảm bảo an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy đạm Phú Mỹ.
Đồng thời, tiếp tục nỗ lực có giải pháp, tăng cường công tác bán hàng, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm NPK và NH3; giảm lượng hàng tồn kho để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về kế hoạch vốn đầu tư, Công ty dự kiến sẽ dành 364,2 tỷ đồng vào các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm tài sản, trang thiết bị; đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên.
Tại báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), nhóm phân tích của PSI đã đưa ra kỳ vọng khá tích cực đối với DPM trong năm nay.
PSI dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DPM ước đạt 8.546 tỷ đồng (tăng 10,1% so với năm trước) và 790 tỷ đồng, tương ứng tăng 12,37% so với năm trước và gấp 2 lần mục tiêu của doanh nghiệp.
Dự báo này của PSI dựa trên giả định giá dầu Brent trung bình trong 2021 đạt 60 USD/thùng, tuy nhiên giá bán Urea và NPK tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí tăng do giá dầu. Giả định này cũng có rủi ro về phụ thuộc sản lượng khí đầu vào tại Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn.
Ngoài ra, hợp đồng mua bán khí của DPM được tính bằng 46% tổng MFP và Tariff vận chuyển do đó việc sụt giảm nguồn khí tại các mỏ khí gần bờ sẽ khiến DPM phải huy động thêm nguồn khí tại các mỏ xa hơn tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn có chi phí thu gom và vận chuyển cao hơn.
Trong năm 2021, PSI cho rằng rủi ro nêu trên cũng không quá lớn do DPM vẫn sẽ huy động được nguồn khí đâu vào từ mỏ Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi với tỷ lệ khoảng 40% cơ cấu nguồn khí huy động.