OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu sau thời gian dài cắt giảm: lối đi hẹp gỡ thế bế tắc
Trước cuộc họp, các nhà quan sát dự kiến OPEC+ nhiều khả năng duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện tại là 7,7 triệu thùng/ ngày cho đến hết tháng 3/2021. Nhưng cuộc đàm phán của OPEC+ đã rơi vào bế tắc hồi đầu tuần khi nhiều thông tin cho thấy các nhà lãnh đạo không thể tiến tới thỏa hiệp.
Hôm 3/12, nhóm Bộ trưởng 23 quốc gia thành viên OPEC+ đã khởi động lại cuộc thảo luận. Theo đó, các nước này nhất trí nâng mức sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ ngày từ 1/1/2021.
Hồi tháng 4 năm nay, sau nhiều ngày đàm phán kéo dài, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu tới 9,7 triệu thùng từ tháng 5, mức cắt giảm lớn nhất mọi thời đại để bình ổn thị trường dầu chao đảo vì dịch Covid-19. Mức cắt giảm được thu hẹp về 7,7 triệu thùng kể từ tháng 8.
Nhà phân tích thị trường dầu Paola Rodriguez Masiu từ Rystad Energy nhận định: “Mức tăng sản lượng 500.000 thùng/ ngày từ tháng 1 không phải viễn cảnh ác mộng khiến thị trường dầu lo ngại, nhưng nó cũng không phải điều mà nhà đầu tư thực sự mong đợi… Thị trường đang phản ứng tích cực trước tin tức này chỉ bởi vì mức tăng 500.000 trong nguồn cung dầu không đủ để gây sức ép cho lượng dầu tồn kho hay giá dầu”.
Sau cuộc họp của OPEC+, giá dầu Brent chuẩn quốc tế giao sau tăng 1,4% lên mức 48,92 USD / thùng. Hợp đồng tương lai dầu WTI tăng 0,8%, giao dịch ở mức 45,64 USD / thùng. Tuy nhiên cho đến nay, giá dầu vẫn thấp hơn khoảng 25% so với mức giá đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Lối đi hẹp gỡ thế bế tắc
Quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia, nhà lãnh đạo của OPEC là bên ủng hộ giữ nguyên mức cắt giảm hiện tại 7,7 triệu thùng dầu/ ngày cho đến hết quý I/2021. Nhưng một số quốc gia khác đã phủ định cách tiếp cận này sau khi giá dầu tăng liên tục hồi tháng 11.
Các nhà phân tích tin rằng một số đồng minh bên ngoài OPEC như Nga và Kazakhstan đã kêu gọi tăng dần sản lượng dầu trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE chỉ kêu gọi cơ chế chặt chẽ hơn để yêu cầu các quốc gia tuân thủ mức cắt giảm sản lượng được đề xuất. Điều này được cho là dấu hiệu cho sự rạn nứt giữa Saudi Arabia và UAE, một điều gây bất ngờ lớn vì UAE vốn là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC+ và là đồng minh thân cận của Saudi Arabia.
Ole Hansen, nhà phân tích hàng hóa chiến lược từ SaxoBank nhận định: “Đáng ngạc nhiên là lần này, mối bất hòa giữa Nga và Saudi Arabia đã không ngăn cản OPEC+ đạt thỏa thuận về việc có nên trì hoãn tăng sản lượng dầu đến hết quý I hay không… Thay vào đó, một sự chia rẽ nguy hiểm hơn đã xuất hiện giữa Saudi Arabia và UAE”.
Trong những tháng gần đây, OPEC+ đã nỗ lực tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu khi giá dầu sụt giảm chưa từng có vì sức ép đến từ cả hai phía cung cầu trong bối cảnh đại dịch cũng như cuộc chiến tranh giá cả giữa Saudi Arabia với Nga và việc Qatar rời OPEC.
“OPEC+ kiểm soát gần 50% sản lượng dầu toàn cầu” - Tamas Varga, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates nhấn mạnh. “Điều này đi kèm với gánh nặng, và gánh nặng đã được trút bỏ trong tuần này… Rất khó để đạt được thỏa hiệp trong một nhóm với 23 thành viên… Bất chấp những bất đồng quan điểm, một điều chắc chắn là lợi ích tối đa cho những bên liên quan để đi đến giải pháp được tất cả các bên chấp thuận. Đôi khi, lựa chọn phương án ít tồi tệ nhất lại là lối thoát duy nhất”.