Đâu là động lực cho tăng trưởng tín dụng “cán đích” 14%?
8,64% là tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 24/9/2019 theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN0 công bố, tương đương hơn 623.000 tỷ đã được giải ngân thêm ra nền kinh tế.
9 tháng, tăng trưởng tín dụng thấp nhất 5 năm
Con số này không chỉ thấp hơn cùng kỳ năm trước mà còn là mức tăng trưởng thấp nhất 9 tháng giai đoạn 2015 – 2018. Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng cũng bất ngờ rớt về mức thấp hơn tăng trưởng huy động vốn là 8,68% và tổng phương tiện thanh toán là 8,44%.
Trong khi đó, năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố tác động tới tốc độ tăng tín dụng trong 9 tháng vừa qua song có 2 nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm lại.
Thứ nhất, việc tín dụng tăng trưởng thấp có thể là do sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế năm nay chậm lại. Doanh nghiệp có thể không vay ngân hàng mà tăng trưởng bằng vốn tự có của mình hoặc nguồn tiền kiều hối …
Đặc biệt, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã rất tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2018 có 224.000 tỷ đồng TPDN phát hành, tăng 94,5% so với 2017. Tổng quy mô thị trường TPDN năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, tương đương 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 6,19% GDP của năm 2017. Hiện, quy mô thị trường TPDN tăng lên mức khoảng 10,2% GDP
Tất cả những kênh huy động vốn này đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhất là khi nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán hiện nay cũng tích cực phân phối trái phiếu doanh nghiệp phát hành cho các khách hàng của họ.
Từ phía các NHTM, bản thân các ngân hàng cũng hạn chế đẩy mạnh cho vay để đảm bảo những quy định về an toàn vốn của NHNN như tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hay như bổ sung quy định khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%, cũng ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của ngân hàng.
Đặc biệt, thời điểm các ngân hàng phải đảm bảo hệ số an toàn CAR theo Thông tư 41/NHNN đã cận kề. Không ít ngân hàng đã phải chuẩn bị ngay từ lúc này để có thể đáp ứng, do đó không thể đẩy mạnh phát triển tín dụng tùy ý vì lo ngại rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn, kể cả khách hàng có nhu cầu vay. Vietinbank chính là một ví dụ điển hình.
Bất động sản là động lực tăng trưởng tín dụng nhưng "lợi bất cập hại"
Trong một khảo sát mới đây của NHNN cho thấy các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm kỳ vọng tăng trưởng huy động và tín dụng trong thời gian tới.
Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong Quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, điều chỉnh giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong Quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018).
Các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.
Thừa nhận rằng, tín dụng sẽ tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra song có ý kiến cho rằng, nếu như tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 10% hay 11% thì sẽ ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng tín dụng từ 13% trở lên sẽ không vấn đề gì bởi hiện tại tốc độ phát triển kinh tế đang rất tốt mặc dù tín dụng 9 tháng tăng trưởng chậm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, môt chuyên gia ngân hàng cho hay, hiện nay nhu cầu của nền kinh tế đã tới hạn, vì vậy động lực cho tăng trưởng tín dụng về đích chỉ có thể đến từ lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng vì chạy theo con số "thành tích" mà đẩy tín dụng vào lĩnh vực nhiều rủi ro này. Cũng phải nói thêm rằng, siết chặt tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đã được NHNN chỉ đạo, yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc trong thời gian qua. Điều này càng khẳng định rằng, không có lý do gì để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
"Hiện nay kinh tế đang tăng trưởng tốt với dự kiến vào khoảng 6,86%, vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm (6,6% -6,8%) trong khi lạm phát được kiểm soát tốt. Với những điều kiện thuận lợi như vậy thì không có áp lực hay lý do gì để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Điều hành chính sách tiền tệ mục tiêu cuối cùng vẫn là hỗ trợ cho tăng trưởng. Nếu vì mục tiêu tín dụng 14% mà lại đẩy tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro sẽ lợi bất cập hại", chuyên gia Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhấn mạnh.