Đề xuất dùng ngân sách tăng vốn chưa được Quốc hội thông qua, Agribank và Vietinbank gặp khó
Sáng ngày 11/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có nội dung về việc tăng vốn điều lệ cho bốn ông lớn ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank).
Chưa bố trí ngân sách nhà nước tăng vốn cho bốn ông lớn ngân hàng
Ông Thanh cho biết, quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.
Như vậy, về vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho bốn ông lớn ngân hàng quốc doanh (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) trước mặt vẫn chưa thể thực hiện.
Nói về việc tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, đặc biệt là Agribank và Vietinbank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã không ít lần khẳng định, việc tăng vốn này là cấp thiết.
Trong báo cáo gửi Quốc hội trong kỳ hợp này, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, "Với thực trạng tài chính như hiện tại và nhu cầu vốn tự có để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước là rất cấp thiết, đặc biệt trong thời gian tới, các ngân hàng thực hiện áp dụng chuẩn Basel II theo thông tư 41/2016/TT-NHNN và đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nhằm giữ mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại".
Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp nhu cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn. Cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ và các phân khúc có khả năng sinh lời cao.
Đây không phải là lần đầu tiên Thống đốc Lê Minh Hựng đề cập đến vấn đề tăng vốn cho 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh. Kỳ họp giữa năm của Quốc hội, cơ quan điều hành đã có kiến nghị tăng vốn. Chính vì sự cấp thiết của việc tăng vốn liên quan đến sự an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, đảm bảo huyết mạch vốn cho nền kinh tế được thông suốt, nên tại kỳ họp này, NHNN vẫn kiên trì nêu lại việc cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.
Agribank và Vietinbank gỡ khó như thế nào?
Đến nay, vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho bốn ông lớn ngân hàng quốc doanh trước mặt vẫn chưa thể thực hiện, Agribank và VietinBank sẽ là hai trường hợp gặp khó trong tăng vốn điều lệ.
Về phía Agribank, hiện nhà băng này có sở hữu 100% vốn nhà nước, đang xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa. Trong khi, VietinBank hiện đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Còn Vietcombank và BIDV, hai thành viên này đã lần lượng tăng vốn điều lệ thành công thời gian gần đây; trong đó BIDV vừa chào bán xong 15% cổ phần cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc và thu về hơn 20.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.
Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động khi không tăng được vốn, tại một Hội nghị mới đây của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết nếu không được bổ sung vốn thì nhà băng này sẽ khó cấp vốn tới nền kinh tế vào năm 2020 tới đây.
"Mặc dù Agribank đã chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp II, tuy nhiên theo quy định thì chỉ được tính tối đa 50% vốn tự có. Do vậy, nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank sẽ không thể cung cấp vốn cho nền kinh tế vào kể từ quý II/2020 mặc dù nhà băng này có nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế và khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng", ông Vượng phân tích.
Agribank kiến nghị Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN. Trong trường hợp chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ cho phép Agribank để lại một phần số tiền thu từ nợ đã xử lý rủi ro để tăng vốn điều lệ.
Giới phân tích cho rằng, trong trường hợp chưa được cấp vốn bổ sung thì việc Agribank dùng nguồn lực từ xử lý nợ xấu cũng được coi là một giải pháp tình thế cho thời điểm hiện tại, nếu không việc cấp tín dụng và quan trọng hơn nữa đó là việc đạt Basel II sẽ là mục tiêu "khó nhằn" đối với nhà băng này.
Riêng với trường hợp của Vietinbank, tuy đã được Chính phủ đồng ý chủ trương giữ lại lợi nhuận hàng năm để tăng vốn điều lệ, song theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, vẫn chưa thể giải quyết tận gốc bài toán vốn. "VietinBank dù giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm cũng chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu tăng vốn", ông Thọ nói.
VietinBank hiện đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank chỉ ở mức 9% và trong 9 tháng đầu năm nay con số này cũng chưa đầy 4%. Điều này cho thấy, sự chậm chạm trong quá trình tăng vốn đang tác động không nhỏ đến hoạt động của nhà băng này.
Có ý kiến cho rằng, vẫn còn những cách khác để VietinBank có thể tăng vốn mà không phải chờ ngân sách thông qua việc thoái vốn một số khoản đầu tư hoặc công ty con.
Tất nhiên, trên chủ trương động thái này sẽ giúp giải phóng nguồn vốn cho Vietinbank. Tuy nhiên, thoái vốn như thế nào và giá cả bao nhiêu cũng không phải cứ "muốn là được".