Đề xuất nới thời hạn đăng kiểm taxi
Tại dự thảo Thông tư qui định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015 về kiểm định an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Điểm mới đáng chú ý là dự thảo qui định kéo dài thời hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng...).
Theo đó, khi đăng kiểm lần đầu để được cấp biển số lưu thông, hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm là 24 tháng (hiện nay 18 tháng). Trong vòng 30 ngày sau khi được cấp chứng nhận kiểm định lần đầu, nếu xe ô tô tiếp tục thực hiện kiểm định vẫn được tính là kỳ đăng kiểm đầu tiên.
Lần đăng kiểm tiếp theo, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng/lần đối với xe có năm sản xuất đến 7 năm (hiện quy định là 6 tháng/lần). Sau thời hạn trên, thời hạn đăng kiểm mới giữ ở mức 6 tháng/lần như hiện nay.
Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải sản xuất trên 5 năm, chu kì định kì kiểm định là 6 tháng/lần. Ô tô có cải tạo vẫn giữ nguyên qui định như hiện nay: Chu kì đầu 12 tháng, chu kì định kì 6 tháng/lần.
Trên báo chí, ông Trịnh Bình Dương, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chu kì kiểm định trên đã từng được áp dụng từ năm 2013 - 2015. Việc đề xuất áp dụng trở lại theo qui định trước đây để phù hợp với tình hình thực tế quản lý và hoạt động của phương tiện. Hiện chủ xe cơ giới đã quan tâm hơn đến việc bảo dưỡng, sửa chữa xe giữa hai kì kiểm định nên chất lượng phương tiện tăng lên.
Thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, năm 2019, tỷ lệ xe chở người đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải đến 5 năm kiểm định lần 1 không đạt là 6,3%, năm 2020 giảm xuống 5,9%.
Mặt khác, tần suất hoạt động của loại xe này cũng giảm đi do xuất hiện nhiều xe hoạt động theo hình thức taxi công nghệ, trong khi trước đây chỉ có loại xe taxi truyền thống.