Đề xuất thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước hồ sông Đầm ở Quảng Nam
Ngày 14/5, nguồn tin cho biết, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giao cho Sở TN&MT, UBND thành phố Tam Kỳ về việc lập dự án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước hồ sông Đầm, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương giao UBND thành phố Tam Kỳ chủ trì tổ chức lập dự án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh hồ sông Đầm theo đúng quy trình, trình tự thủ tục quy định của Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn giao cho Sở TN&MT và các ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND thành phố Tam Kỳ trong quá trình lập dự án thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh hồ sông Đầm, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ
Còn theo báo cáo của UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, hiện nay, UBND thành phố Tam Kỳ đang nỗ lực xây dựng đô thị đạt các tiêu chí của đô thị loại I; theo định hướng quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một đô thị sinh thái hiện đại, thân thiện với môi trường, là đô thị thủ phủ xanh.
Một trong những mục tiêu là hình thành và duy trì một đô thị có sức hấp dẫn thông qua việc tạo dựng cảnh quan đặc sắc gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa địa phương để tạo sự thu hút không chỉ với cư dân mà còn đối với khách du lịch, qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững cho đô thị.
Theo đó, sông Đầm xã Tam Thăng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ; Sông Đầm với diện tích toàn bộ lưu vực là 650ha, trong đó có gần 200ha mặt nước. Đây chính là lá phổi xanh của thành phố; là vùng chứa lũ, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Tam Kỳ về lâu dài.
"Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hoá truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ.
Qua khảo sát, đánh giá của Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam các loài động, thực vật Sông Đầm, ghi nhận được 295 loài; trong đó có 33 loài cá khác nhau; có 16 loài bò sát, ếch nhái; có 31 loài chim, đáng chú ý có loài "Cò nhạn" nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007; có 211 loài côn trùng.
Các loài thực vật bậc cao, ghi nhận được 170 loài thực vật thuộc 74 họ khác nhau. Đặc trưng của hệ thực vật Sông Đầm là các loài cây ngập nước.
Ngoài ra, theo phụ lục XXII, Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, dự án Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Sông Đầm, các hạng mục trồng phục hồi và phát huy giá trị sông Đầm được đưa vào danh mục các dự án được UBND tỉnh Quảng Nam ưu tiên thực hiện giai đoạn 2021-2030…
Từ những nội dung nêu trên, UBND thành phố Tam Kỳ kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét thống nhất giao nhiệm vụ cho Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh hoặc ủy quyền cho UBND thành phố Tam Kỳ lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh Hồ Sông Đầm trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định…", đại diện Tam Kỳ cho biết.
Mới đây, vào giữa tháng 3/2024, Ông Đặng Quốc Khánh - Bộ trưởng Bộ TN-MT; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP.Tam Kỳ đã có chuyến khảo sát Sông Đầm và tham gia thả cá, trồng cây tại Bãi Sậy - Sông Đầm.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đánh giá cao vẻ đẹp tự nhiên của Bãi Sậy - Sông Đầm cũng như công tác bảo tồn hệ sinh thái độc đáo, đặc sắc này của chính quyền, nhân dân địa phương và đề nghị cơ quan quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị hệ sinh thái Bãi Sậy - Sông Đầm.