Khi Ấn Độ "đàn áp" ứng dụng Trung Quốc, các đại gia công nghệ Mỹ hưởng lợi

04/09/2020 16:51 GMT+7
Các nhà phân tích nhận định việc Ấn Độ tăng cường “đàn áp” các ứng dụng Trung Quốc có thể là cánh cửa sáng cho những gã khổng lồ công nghệ Mỹ.
Khi Ấn Độ "đàn áp" ứng dụng Trung Quốc, các đại gia công nghệ Mỹ hưởng lợi - Ảnh 1.

Từ tháng 6 đến nay, Ấn Độ đã cấm gần 200 ứng dụng Trung Quốc

Trong tuần này, Ấn Độ đã cấm cửa thêm 118 ứng dụng Trung Quốc bao gồm trò chơi mobile nổi tiếng PUBG của Tencent, các dịch vụ tài chính, thanh toán online từ Baidu và Ant Group (công ty con thuộc Alibaba).

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ tuyên bố rằng các ứng dụng bị chặn đã “tham gia vào các hoạt động gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn” lãnh thổ đất nước này, đồng thời cáo buộc chúng đang gửi dữ liệu công dân đến các máy chủ đặt bên ngoài Ấn Độ. Hành động này diễn ra cùng thời điểm đụng độ biên giới Trung Ấn nóng lên trở lại, khiến các nhà quan sát đặt ra câu hỏi liệu đây có phải động thái đáp trả kinh tế của New Delhi.

Trước đó, hồi tháng 6, chính phủ New Delhi đã cấm 59 ứng dụng Trung Quốc khác khi căng thẳng biên giới Trung Ấn leo thang dẫn đến cuộc đụng độ làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, Canada mới đây nhận định: “Các công ty Trung Quốc đang học được một bài học vô cùng đau đớn, rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến việc các công ty Trung Quốc bị chặn, bị tẩy chay trên toàn Ấn Độ”.

Cho đến nay, chính phủ Ấn Độ mới chỉ nhắm mục tiêu cụ thể đến các ứng dụng Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ Bloomberg hồi tháng trước đưa tin các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE cũng sắp ngừng thử nghiệm 5G tại Ấn Độ. Nếu điều này xảy ra, Ấn Độ sẽ là cái tên tiếp theo sau Úc và Anh tiến hành loại trừ thiết bị mạng Trung Quốc khỏi hệ thống mạng viễn thông nội địa.

Hành động “đàn áp” công nghệ Trung Quốc như vậy sẽ mang đến những cơ hội sáng cho cả các công ty nội địa Ấn Độ và đại gia công nghệ Mỹ.

Doanh nghiệp công nghệ Mỹ và Ấn Độ: đôi bên cùng có lợi

Trước khi căng thẳng biên giới nổ ra, Ấn Độ đã khẳng định mình như một thị trường đầu tư hấp dẫn với các công ty công nghệ Trung Quốc. Ước tính, các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ, theo viện nghiên cứu Gateway House. 18 trong số 30 kỳ lân khởi nghiệp của Ấn Độ (tức các công ty khởi nghiệp có trị giá hơn 1 tỷ USD) đều có vốn đầu tư Trung Quốc. 4 trong 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Ấn Độ là các nhà sản xuất từ Trung Quốc.

Khi các công ty Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng ở Ấn Độ, các đại gia công nghệ Mỹ cũng không kém cạnh. Ấn Độ là thị trường được đánh giá có tốc độ tăng trưởng tốt trong tương lai, với dân số đông bậc nhất thế giới và tiềm năng tiêu thụ lớn.

Khi Ấn Độ "đàn áp" ứng dụng Trung Quốc, các đại gia công nghệ Mỹ hưởng lợi - Ảnh 3.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải)

Neil Shah, giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research nhận định: “Việc cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc sẽ tạo ra một khoảng trống lớn cần được lấp đầy… Nó mang lại nhiều cơ hội hơn cho các đại gia công nghệ Mỹ… Ví dụ, việc cấm TikTik đang mang lại lợi ích cho Instagram Reels”.

Trong khi Ấn Độ mạnh tay với các ứng dụng Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tăng cường các sức ép lên những đại gia công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Trong tháng 8, ông Trump đã ban hành lệnh cấm giao dịch trong vòng 45 ngày với Tencent và ByteDance. Các công ty công nghệ như Huawei thì đang “vật lộn” với Bộ quy tắc mới chặn đứng nguồn cung chip tiên tiến từ Mỹ.

“Ưu tiên lớn nhất của Thủ tướng Ấn Độ Modi là ‘tự lực cánh sinh”. Từ quốc phòng đến thương mại điện tử, ông ấy không muốn Ấn Độ phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào. Trong khi Ấn Độ đã xây dựng được ngành công nghiệp phần mềm nội địa của riêng nó, thì nước này lại tỏ ra tụt hậu về phần cứng như con chip… Trong khi đó, các công ty Mỹ lại đang tìm kiếm một cơ sở mới để xây dựng chuỗi cung ứng phần cứng và thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm của họ. Đó là một kết quả đôi bên cùng có lợi (cho cả Ấn Độ và Mỹ)” - ông Neil Shah nhấn mạnh

Thật vậy. Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ tại thung lũng Silicon đang tìm cách mở rộng sự hiện diện sang thị trường Ấn Độ.

Apple, vốn chỉ chiếm 1% thị phần trên thị trường smartphone Ấn Độ, đã bắt đầu đẩy mạnh việc kinh doanh iPhone XR lắp ráp tại Ấn Độ vào năm ngoái. Gã khổng lồ Cupertino cũng cho biết họ đang chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ.

Theo chuyên gia Neil Shah, Apple không chỉ coi Ấn Độ là thị trường trọng điểm để tiêu thụ smartphone mà còn là một địa điểm sản xuất quan trọng trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất Trung Quốc.

“Ấn Độ có hơn nửa tỷ người dùng smartphone và hiện là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới. Với việc người tiêu dùng có thể mua những chiếc smartphone thứ ba hoặc thứ tư trong những năm tới, họ sẽ có xu hướng mua một chiếc smartphone tốt hơn. Điều này là cơ hội cho Apple… Thêm vào đó, tâm lý chống Trung Quốc cuối cùng cũng có thể biến thành động lực có lợi cho Apple, vì ở phân khúc cao cấp hiện tại, chỉ có OnePlus đang cạnh tranh gay gắt với Apple”. OnePlus là một thương hiệu smartphone thuộc sở hữu của công ty BBK Electronics, Trung Quốc.

Hai đại gia công nghệ Mỹ khác là Facebook và Google gần đây đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào công ty dịch vụ kỹ thuật số Jio Platforms của Ấn Độ. Jio Platforms sở hữu một số thương hiệu, bao gồm cả mảng kinh doanh viễn thông Reliance Jio. Khoản đầu tư này được coi là một cách để cả hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ có được chỗ đứng lớn hơn tại thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Abishur Prakash nhận định trong dài hạn, khi Ấn Độ nhận ra mối đe dọa tương tự từ các công ty công nghệ Mỹ (so với các ứng dụng Trung Quốc hiện nay), mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục