Dệt may Việt Nam "thua" Bangladesh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói "sẽ có câu trả lời"
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sụt giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong các quốc gia xuất khẩu thì chỉ có Bangladesh tăng trưởng hơn 5,7%, còn các quốc gia khác đều sụt giảm, kể cả Trung Quốc giảm 10%.
Ông Trường thông tin, tháng 8 vừa qua, Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may của Mỹ có làm một bản đánh giá 12 tiêu chí để lựa chọn quốc gia nhập khẩu dệt may, gồm chất lượng, năng lực quản trị, ổn định chính trị, sáng tạo, trách nhiệm xã hội và phát triển môi trường, bảo vệ bền vững, giá, thuế quan,..
"Việt Nam có điểm tổng cao nhất là 47,5/60. Trung Quốc là 42/60. Lý do Trung Quốc sụt giảm hơn là vì họ có câu chuyện về trách nhiệm xã hội và lao động nên bị đánh giá thấp. Bangladesh thực tế chỉ có 39/60. Cả về chất lượng, thời gian giao hàng, đặc biệt là trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững họ chỉ có 2/5 nhưng Việt Nam đạt 4/5, vì Bangladesh hiện vẫn chưa có hệ thống bảo hiểm xã hội, cả người lao động và sử dụng lao động đều không đóng và lương tối thiểu chỉ 74 USD. Nhưng, họ có hai điểm hơn Việt Nam và Trung Quốc một cách rõ rệt đó là giá và thuế quan. Giá của họ được đánh giá là tốt nhất thế giới (đạt 4,5/5 điểm) và thuế quan, vì họ là nước nghèo được miễn thuế đi vào châu Âu. Chính vì thế Bangladesh duy trì được tăng trưởng tốt nhất bằng lợi thế giá rẻ khi cầu thấp", Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh.
Theo ông Trường, nguyên nhân dệt may Việt Nam sụt giảm là giá và thuế quan chứ không phải vấn đề phát triển bền vững. Như vậy muốn vượt qua giai đoạn ngắn hạn về sụt giảm cầu đương nhiên cần cả nỗ lực của doanh nghiệp đó là tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm giải pháp tiếp cận thị trường từ những thị trường khó nhất, nhỏ nhất mà Bangladesh không làm được, về vĩ mô rất cần câu chuyện cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn.
"Doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm phương pháp tiếp cận thị trường... Vĩ mô cần đảm bảo cân đối vĩ mô, ổn định lãi suất, tỷ giá, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp... 12 năng lực cạnh tranh cốt lõi, ta tốt đến 10 thứ nhưng không có đơn hàng, thua lỗ thì chỉ 2 năm chúng ta giải tán, không còn cơ hội để phát triển bền vững, tạo động lực cho trung và dài hạn", ông Trường nói.
Tất nhiên trong trung hạn và dài hạn, Chủ tịch Vinatex cũng khẳng định doanh nghiệp không thể đi chệch xu hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Đầu tư mới phải theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm lao động, tiết kiệm năng lượng... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu thêm ý kiến của Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường.
"Vì sao trong khi đơn hàng của Việt Nam và Trung Quốc suy giảm mà Bangladesh vẫn giữ được, có phải chỉ vì vấn đề giá rẻ không? Tôi thấy nhiều người trong ngành dệt may nói với tôi rằng, ta đi chậm hơn trong quá trình tái cơ cấu ngành dệt may. Câu trả lời này mấy hôm nữa tôi sẽ có", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngày 21/9 tới ông sẽ đi thăm Bangladesh, sẽ trực tiếp nghiên cứu và sẽ có câu trả lời cho vấn đề này. "Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này, và hoàn toàn có thể phối hợp với Bangladesh để hình thành chuỗi cung ứng ngành dệt may. Chúng ta hợp tác được với Thái Lan trong chuỗi cung ứng gạo, vì sao không thể phối hợp được với Bangladesh - một cường quốc về dệt may, một thị trường hơn 170 triệu dân, khoảng cách chỉ gần 2h bay?", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.