ĐHĐCĐ Dệt may Thành Công: Ước quý I/2024 lợi nhuận đạt 62 tỷ đồng, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu năm

09/04/2024 06:28 GMT+7
Trong quý đầu năm, Dệt may Thành Công ước đạt doanh thu 39 triệu USD, tương đương khoảng 967 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt 2,5 triệu USD, tương đương 62 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào sáng ngày 5/4.

Dệt may Thành Công lên kế hoạch lợi nhuận tăng tới 21%

Theo đó, các cổ đông đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu dự kiến hơn 3.707 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 161 tỷ đồng; lần lượt tăng 12% và 21% so với kết quả thực hiện được năm 2023. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 12% bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh của Công ty.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Dệt may Thành Công sẽ không trả cổ tức bằng tiền năm 2023 như dự tính trước đó(tỷ lệ 15%). Thay vào đó đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được thưởng thêm 1 cổ phiếu mới).

Theo đó, Thành Công sẽ phát hành hơn 9,25 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển. Thời điểm tăng vốn dự kiến vào tháng 7/2024, thời điểm phát hành cụ thể giao HĐQT quyết định.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, công ty dự kiến trích 20% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ đầu tư phát triển và trình cổ đông chấp thuận kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ dự kiến 12% bằng tiền và/hoặc cổ phiếu tùy theo tình hình kinh doanh.

Phiên thảo luận

Bạo loạn ở Bangladesh cuối năm 2023 khiến các nhà máy đóng cửa vô thời hạn. Vậy ngành dệt may Việt Nam nói chung và dệt may TCM nói riêng có tận dụng được cơ hội này không?

- Lãnh đạo TCM cho biết, tình hình đình công ở Bangladesh xuất phát từ yêu cầu tăng lương tối thiểu vì công nhân sống dưới mức nghèo khổ, khi các nhà máy đóng cửa thì đơn hàng thị trường Mỹ tăng hơn ở Việt Nam, đồng thời với đơn giá tăng do tăng lương tối thiểu cộng với các yếu tố về trách nhiệm xã hội với người lao động thì ngành dệt may Việt Nam nói chung và Thành Công nói riêng sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, nếu xét về hàng dệt may giá trị cao thì Thành Công cần tập trung cạnh tranh với Trung Quốc vì lợi thế của Bangladesh chỉ là nhân công giá rẻ.

Giá bông thế giới hiện đang tăng mạnh, vậy có ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của TCM không?

- Giá bông tăng từ năm 2023 đến quý I/2024, tuy nhiên hiện nay đang chững lại do vậy không thể nói giá bông tiếp tục tăng. Đối với quy trình sản xuất khép kín của Thành Công, khi giá bông tăng thì kinh doanh sợi được hưởng lợi nhưng kinh doanh sản phẩm may sẽ gặp khó khăn vì phải tìm cách tăng giá bán, do vậy việc giá bông tăng hay giảm không thể xác định là lợi thế hay bất lợi một cách rõ ràng. 

Do đó, Dệt may Thành Công tập trung vào hai điểm: Thứ nhất, khi giá bông tăng hoặc giảm, công ty tối ưu hiệu quả kinh doanh sợi thông qua tận dụng giá mua bông để nhà máy sản xuất và bán sợi. Thứ hai, khi giá bông tăng, Công ty cố gắng thuyết phục bên mua hàng tăng giá mua sản phẩm may.

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2024

-Trong quý đầu năm, TCM ước đạt doanh thu 39 triệu USD, tương đương khoảng 967 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt 2,5 triệu USD, tương đương 62 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Về tình hình đơn hàng, hiện đơn hàng quý II đã xác nhận được 85%, quý III nhận được 80%, theo tình hình này Công ty kỳ vọng hoàn thành mục tiêu năm 2024.

Trong tháng 1/2024, TCM và Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã có thỏa thuận để thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi so với năm trước.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc Eland cam kết đặt đơn hàng 10 triệu sản phẩm (gấp đôi so với năm 2023), vậy Eland có cam kết đơn hàng cho các năm sau không, TCM cho biết, việc Eland có đặt hàng tiếp hay không phụ thuộc vào khả năng thực hiện đơn hàng năm 2023 của Dệt may Thành Công vì Công ty và Eland là hai công ty kinh doanh độc lập, hoạt động kinh doanh cần đảm bảo yếu tố hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Chia sẻ về  dự án SY Vina, TCM đã hoàn tất mua nhà máy SY Vina trong quý đầu năm. TCM cho biết công suất thiết kế nhà máy SY Vina 3 triệu mét/năm nhưng hoạt động dưới công suất 1 triệu mét/năm trong vòng 3 năm gần nhất. Tuy nhiên, từ tháng 3/2024 công suất đã tăng lên khoảng 1,5 triệu mét/năm và lợi nhuận hoạt động đã có kết quả dương do đơn hàng từ Eland Korea và hỗ trợ quản lý điều hành từ TCM. Từ quý II/2024 SY Vina sẽ có kết quả hoạt động tốt và đóng góp vào hoạt động của công ty.

Mặt khác, để tài trợ cho mua nhà máy SY Vina, công ty chủ trương bán nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 3, 4 và nhà máy Trảng Bàng. Do công ty chưa chốt được với đối tác bán nên kế hoạch năm 2024 cũng chưa tính đến yếu tố đột biến này. Chủ tịch TCM tiết lộ nhà máy Vĩnh Long 3 và 4 trên diện tích 6,2 ha, giá mua 26 USD/m2 thì hiện nay giá thị trường đã lên 120 USD/m2.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, giá cổ phiếu TCM hiện đang đứng ở mức tham chiếu 44.000 đồng/cổ phiếu.



Phương Thảo
Cùng chuyên mục