Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“

25/05/2020 09:10 GMT+7
Dù được “bơm thổi” khá nhiều trong thời gian gần đây trên các diễn đàn, nhóm kín của dân môi giới, nhưng sau cơn sốt ảo kéo dài từ giai đoạn 2008 - 2009, đến nay, thị trường đất nền, biệt thự Mê Linh vẫn trong "cơn mê dài”.

Trong vai người có nhu cầu mua đất, trước khi đi thực tế, nhóm phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được môi giới giới thiệu một số lô đất và dự án mới, theo quảng cáo là đang sốt và đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, nếu có nhu cầu, môi giới có thể tư vấn cho mua đất có giá từ 11 - 13 triệu đồng/m2 cho đất trong làng ở một số xã như Tiền Phong, Chi Đông, Quang Minh, hoặc giá 15 - 17 triệu đồng/m2 cho đất gần trục dọc quốc lộ.

Nếu khách hàng có điều kiện hơn, môi giới cũng có thể giới thiệu một số dự án mới mở bán gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với giá trên 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, môi giới cũng cho biết , đây mới chỉ là giá đất nền và khách hàng nếu muốn về ở sẽ phải đóng thêm 4 - 5 triệu đồng/m2 nữa cho phần xây cơ bản vì dự án chỉ bàn giao xây thô.

Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“ - Ảnh 1.

Dự án An Phát 1

Tuy nhiên, khảo sát thực tế, cảm giác đầu tiên của nhóm phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản là chẳng có vẻ gì giống với sự sôi động của một số dự án được rao bán trên mạng. Với nhiều thông tin mỹ miều như "sau một thời gian dài thị trường thị trường đóng băng, giá đất nền tại nhiều dự án đã giảm khá sâu, và giờ có tiền thì nên mua vào lại các lô đất có giá cạnh tranh vì chắc chắn sắp tới thị trường này có thể tăng trưởng", nhưng thực tế, không khí của thị trường địa ốc nơi đây là sự trầm lắng, không biển hiệu, tờ rơi, bảng rao bán nhà, đất, thậm chí người qua lại những khu vực được cho là điểm nóng về dự án cũng rất vắng vẻ.

Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“ - Ảnh 2.

Hoang hóa cả chục năm, nhiều dự án tại Mê Linh hiện nay chưa giải phóng xong hạ tầng

Theo chia sẻ của một số người dân quanh đây, từ trước Tết Nguyên đán năm nay cũng xuất hiện một số đoàn người về đây khảo sát và hỏi han giá cả. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay thì gần như thị trường vắng hoe.

Tại thị trấn Chi Đông và xã Vĩnh Sơn, một số người dân cho biết, chỉ lác đác có vài người đến hỏi về đấy chứ không có nhiều. Duy chỉ khu Quang Minh, hoạt động tìm hiểu, hỏi han giá cả có sôi động hơn, bởi gần tuyến đường Võ Văn Kiệt (tuyến đường vào nội đô Hà Nội), dẫu vậy, dường như khả năng chốt khách hàng cũng không thực sự cao.

Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“ - Ảnh 3.

Một dự án mới chỉ xây thô xong rồi bỏ hoang

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoại trừ quây tôn bên ngoài, kèm một số biển quảng cáo, đa số bên trong hạ tầng của các dự án này vẫn khá dang dở, cây cỏ mọc tùm lum, trái với lời rao bán trên mạng về việc dự án đang tấp nập và rầm rộ triển khai. Một số dự án lấy hình ảnh của một số căn nhà mẫu để quảng bá. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là những căn nhà mẫu đã xuất hiện cả chục năm qua tại dự án này và chưa hề có các hoạt động xây dựng mới.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, lý do bất động sản khu vực Mê Linh không phát triển là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vẫn chưa hoàn chỉnh.

Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“ - Ảnh 4.

hu nhà mẫu bỏ hoang của một dự án

K“Ở khu vực này, các tiện ích thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, chợ… vẫn hầu như chưa có, người dân không thể về đây ở nên ế ẩm là dễ hiểu”, ông Điệp nói và cho biết, việc bất động sản khu vực Mê Linh vẫn chưa được nhà đầu tư quan tâm còn do trước đây thuộc Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội.

Địa ốc Mê Linh trong “cơn mê dài“ - Ảnh 5.

Melinh Vista City - dự án hiếm hoi gần đây mở bán trở lại nhưng rất vắng khách

Với vị trí địa lý và giao thông hưởng lợi từ các tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4…, rõ ràng khu vực này sẽ có rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư thì các dự án bất động sản ở khu vực này phải sớm hoàn thiện kết cấu khung về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Linh Việt - Minh Dũng/Báo Đầu tư Bất động sản
Cùng chuyên mục