Dịch Covid -19 làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam
Dịch Covid-19 kìm hãm tăng trưởng của ngành nông nghiệp
Ngày 19/11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Oxfam tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2020, với chủ đề "Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là sản phẩm tươi trái cây, rau củ quả, tiếp đó là sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, một số sản phẩm đã qua chế biến, bảo quản lại có giá trị xuất khẩu tăng như lúa gạo...
Tình hình xuất khẩu thị trường tiểu ngạch Trung Quốc đặc biệt giảm mạnh trong khi thị trường chính ngạch lại thuận lợi hơn. Các chuỗi giá trị ngắn cung ứng cho đô thị hoạt động, các chuỗi giá trị có hợp đồng ổn định hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế của hộ nông dân và hợp tác xã bộc lộ rõ hơn trong việc tham gia chuỗi giá trị. Cụ thể, do quy mô sản xuất nhỏ với 80% hộ có đất canh tác dưới 1ha nên rất manh mún, phân tán. Trong khi đó, việc tiêu thụ hàng hóa chủ yếu mua bán qua thương lái.
Cuối năm 2019 chỉ có 24,5% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có dịch vụ tiêu thụ nông sản cho thành viên. Khoảng 10-15% sản lượng nông sản do nông dân sản xuất ra được tiêu thụ thông qua các HTX. HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ 9,7%.
Không chỉ có nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hợp tác xã, ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng lớn. Giám đốc Công ty GC Food Nguyễn Văn Thứ cho biết, do tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty với các đối tác trong và ngoài nước giảm liên tục do các doanh nghiệp đối tác chỉ hoạt động cầm chừng. Cùng với đó, người dân thu hẹp chi tiêu để đảm bảo cuộc sống nên tốc độ bán hàng chậm lại.
Ông Thứ cho biết, doanh thu lũy kế 10 tháng của GC Food đạt hơn 170 tỷ đồng, chỉ đạt 71% so với kế hoạch đề ra, sụt giảm so với kỳ vọng phát triển năm 2020.
Hai mặt hàng quan trọng của Công ty chịu tác động mạnh. Đối với mặt hàng nha đam, lũy kế 10 tháng xuất khẩu giảm 50% so với năm 2019 và chỉ đạt 37% kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Xuất bán nội địa xấp xỉ năm 2019 nhưng chỉ đạt 75% kế hoạch năm 2020.
Đối với sản phẩm thạch dừa, lũy kế 10 tháng, xuất khẩu tăng 178% so với năm 2019, tuy nhiên lại chỉ đạt được 69% kế hoạch. Xuất bán nội địa chỉ bằng 91% so với năm 2019 và chỉ đạt 87% so với kế hoạch.
Cũng liên quan đến tác động của dịch Covid-19, TS Phạm Công Nghiệp - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, cho biết mới đây nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với 4 chuỗi giá trị tại Cao Bằng và Bắc Kạn gồm: Lợn đen, gừng, chuối và bò. Kết quả cho thấy, sản lượng tiêu thụ của 4 nhóm giảm lần lượt: 45%, 30%, 73% và 77%. Giá bán của bò và chuối cũng giảm lần lượt 21,4% và 57,3%. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng 8,5%, 10%, 3% và 25%. Kéo theo đó, doanh thu của tác nhân thương mại của cả 4 nhóm cũng giảm từ 30 - 82%.
Vẫn có những cơ hội tốt nếu biết tận dụng
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn có những cơ hội. Đó là nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới vẫn tăng, trong khi Việt Nam cơ bản có nền sản xuất ổn định; Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CCTPP) cũng đang mở ra những cơ hội tốt cho nhiều mặt hàng xuất khẩu. Dù vậy, thách thức đặt ra là tiêu chuẩn chất lượng cao từ các thị trường nhập khẩu cũng không hề nhỏ.
Để tiếp tục đứng vững và phát triển trong thời gian tới, ông Đào Thế Anh cho rằng, cần đầu tư khoa học công nghệ (nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn) để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu của chuỗi với các rủi ro.
Đồng thời ông Đào Thế Anh cũng cho rằng, cần có cơ chế đầu tư tài chính cho Hợp tác xã. Các ngân hàng cần phải dịch chuyển từ người cho vay dựa vào tài sản thế chấp sang là những nhà cung cấp các giải pháp tài chính cho hợp tác xã. Đây sẽ là giải pháp tạo thuận lợi cho các nhu cầu hiện tại nhưng hơn hết là tạo thuận lợi cho nhu cầu trong tương lai trong Chiến lược phát triển xanh, nông nghiệp sinh thái.
Để nông nghiệp tiếp tục phát triển trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đã đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hệ thống nông nghiệp bền vững. Cụ thể, đối với đơn vị sản xuất, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.
Việc thúc đẩy liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cũng cần được tăng cường nhằm đảm bảo quá trình lưu thông sản phẩm, đảm bảo sự phân phối lợi ích hài hoà giữa các tác nhân trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối mới, hệ thống bán hàng hiện đại.