Điểm danh 19 ngân hàng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC

17/11/2020 08:12 GMT+7
Trong bối cảnh nợ xấu của ngành đang có chiều hướng gia tăng do tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, đã có 7 ngân hàng mới tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC, nâng tổng số đơn vị hoàn thành lên con số 19.

Mới đây, ngân hàng VietinBank đã công bố hoàn thành tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngân hàng cho biết, bằng việc tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt, tháng 10/2020, ngân hàng đã tất toàn toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo kế hoạch.

Cụ thể, thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt, tháng 12/2018, Vietinbank đã bán 13.427 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, thời hạn trái phiếu 5 năm từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2023.

Sau khi bán nợ cho VAMC, Vietinbank đã tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý nợ, đồng thời tăng cường trích dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC để có thể tất toán trái phiếu đặc biệt trong thời gian sớm nhất.

"Với việc tất toán toàn bộ khoản nợ VAMC, hiện nay tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank vào cuối tháng 10/2020 là khoảng 1,8%, chúng tôi sẽ tiếp tục quản trị chặt chẽ chất lượng tăng trưởng tín dụng của Vietinbank. Mục tiêu là cuối quý IV/2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank nội bảng sẽ ở mức khoảng 1,5%", ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Vietinbank đề cập.

Trước VietinBank, đã có 18 ngân hàng tất toán toàn bộ nợ xấu VAMC, đó là: Vietcombank, AgriBank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB Bank, SeaBank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank.

Trong đó, VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank, VietBank "sạch" nợ xấu tại VAMC trong năm nay bất chấp Covid-19. Đây là nỗ lực rất lớn của những ngân hàng này, bởi cuối năm 2019, một số nhà băng vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.

Chẳng hạn, cuối năm 2019, mệnh giá trái phiếu đặc biệt tại VietinBank còn tới 12.781 tỷ đồng (trong đó đã được trích lập hơn 6.500 tỷ đồng); BIDV cũng còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC (đã trích lập 6.300 tỷ đồng).

Điểm danh 19 ngân hàng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 3.

Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu VAMC cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong thời gian tới khi nợ xấu nội bảng có chiều hướng gia tăng do tác động của Covid-19. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, nhiều ngân hàng khác cũng đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu của VAMC như ABBank, Sacombank, Eximbank… trong năm 2020.

Đơn cử như Sacombank, lãnh đạo nhà băng này cho hay, hiện Sacombank còn nắm hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đang nỗ lực xử lý, thu hồi nợ xấu để hoàn nhập dự phòng. Ước tính giá trị trái phiếu VAMC đã giảm hơn 2.600 tỷ trong 9 tháng đầu năm.

"Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. 5 tháng đầu năm, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng nợ và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng, nên khả năng từ nay đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra", Tổng giám đốc Nguyễn Ðức Thạch Diễm thông tin.

Hay như tại Eximbank, ngân hàng cho biết đang tiến tới tất toán các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây. Tính đến cuối tháng 9/2020, số trái phiếu đặc biệt VAMC tại Eximbank còn 2.775 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 4.434 tỷ đồng hồi đầu năm; trong đó dự phòng trái phiếu đặc biệt là 918 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi "gửi" các khoản nợ xấu để các ngân hàng có thời gian (5 năm) từ xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng làm ăn kinh doanh tốt, có tiềm lực mạnh và có khả năng tự giải quyết khối nợ xấu mà không cần đến "kỹ thuật" bán cho VAMC thì có thể nhận lại số nợ xấu này sớm hơn thời hạn cho phép.

Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu VAMC cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong thời gian tới khi nợ xấu nội bảng có chiều hướng gia tăng do tác động của Covid-19. Cuối quý III/2020, nợ xấu tại nhiều nhà băng tăng nhanh, có nơi ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng gấp ba so với đầu năm. Bởi vậy, nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ mỗi năm, các ngân hàng phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn 5 năm và 10% đối với kỳ hạn 10 năm. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh hiện tại khi lợi nhuận ngân hàng đang được dự báo sẽ sụt giảm do tác động từ dịch Covid-19 thì việc phải trích lập dự phòng này sẽ là áp lực không nhỏ đối với những ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục