Điểm lại những phiên tím do bị "thao túng" của cổ phiếu CMS
Theo điều tra, xác minh trong khoảng thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023, thông qua hoạt động tổ chức các hội nhóm trên zalo, nhóm này với vai trò nhà đầu tư tự do, cầm đầu đã cấu kết, lôi kéo nhiều thành viên trong nhóm liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng đến cung cầu và giá chứng khoán; sử dụng nhiều tài khoản để liên tục mua bản mã cổ phiếu CMS.
Thủ đoạn của các đối tượng là thực hiện mua gom mã cổ phiếu CMS với giá thấp để đẩy giá mã cổ phiếu CMS tăng rồi bán ra kiếm lời.
Cổ phiếu CMS tăng phi mã, lãnh đạo công ty từng nói gì?
Dữ liệu về diễn biến của cổ phiếu CMS cho thấy, cổ phiếu này từng có thanh khoản èo uột và dao động vùng giá 5.000 – 7.000 đồng/cp kể từ đầu năm 2023 cho đến cuối tháng 5.
Thanh khoản nhỏ giọt với giao dịch mỗi phiên đạt từ vài nghìn đơn vị. Thậm chí, nhiều phiên chỉ có vài trăm đơn vị được sang tay.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6/2023, cổ phiếu CMS bắt đầu dậy sóng, liên tục đóng trần và khối lượng giao dịch cũng tăng vọt. Đặc biệt, nhiều phiên khớp lệnh hàng chục nghìn đơn vị.
Đặc biệt, có nhiều thời điểm, cổ phiếu CMS tăng dựng đứng.
Đơn cử, tại ngày 5/9/2023, cổ phiếu CMS đóng cửa ở mức 14.830 đồng/cổ phiếu. Đến phiên ngày 20/9/2023, cổ phiếu CMS đứng giá 34.710 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 134% chỉ trong vòng nửa tháng.
Với việc cổ phiếu CMS liên tục dậy sóng, CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam (HNX: CMS) từng có công văn giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp.
Cụ thể, từ ngày 31/8 đến ngày 8/9, cổ phiếu CMS tăng trần 5 phiên liên tiếp giúp cổ phiếu tăng từ 12.500 đồng/cp lên 19.900 đồng/cp, tương đương tăng hơn 59%.
Theo giải trình của công ty, giá cổ phiếu CMS tăng/giảm hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, cũng như thị hiếu và nhu cầu của nhà đầu tư. Các hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn ra bình thường, không có biến động gì bất thường và công ty không có bất kỳ thông tin cũng như tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường.
Tuy nhiên, trong thời gian cổ phiếu tăng mạnh, ông Phạm Văn Xuyên, cổ đông lớn của CMS đã bán ra 500.000 cổ phiếu trong hai phiên 31/8 và 5/9 để giảm sở hữu từ 7,86% xuống còn 5,89%.
Tại thời điểm đó, TS. Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Chủ tịch sáng lập CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam đã từng chia sẻ với báo Dân Việt.
Cụ thể, khi đề cập đến việc có phải "tay to" có làm xiếc đẩy giá CMS tăng phi mã, ông Hưởng cho rằng, việc này liên quan quyền cá nhân của nhà đầu tư, việc mua bán, hay chốt lời là quyền của họ, miễn sao không vi phạm pháp luật.
"Riêng các thành viên trong hội đồng quản trị CMS là những người tâm huyết với công ty thì không tham gia mua bán và cũng không quan tâm giá thị trường cao hay thấp mà chú ý hơn vào hoạt động thực chất của công ty.
Thậm chí thấy giá cổ phiếu CMS cao quá, các thanh viên hội đồng quản trị còn lo lắng sợ rủi ro xảy đến với các cổ đông nhỏ lẻ ít kinh nghiệm", ông Hưởng nói.
Doanh thu 6 tháng đầu năm của Tập đoàn CMH Việt Nam tăng 58%
CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán CMS từ năm 2010. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Tại ngày 30/6/2024, Tập đoàn CMH Việt Nam có 2 công ty con, bao gồm: CTCP CM Đầu tư và Thương mại (sở hữu 100%) và CTCP Xây lắp Môi trường (sở hữu 68,44%)
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm, Tập đoàn CMH Việt Nam ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 62,4 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ đạt 2,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 58% và 54% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Tập đoàn CMH Việt Nam cho biết, doanh thu bán hàng của công ty trong quý II năm nay là từ hợp đồng thi công xây dựng Dự án Sơn Triệu (hợp đồng được bắt đầu triển khai thi công từ tháng 7/2023).
Trong khi tại cùng kỳ năm trước, ngoài hợp đồng thi công xây dựng dự án Krongpach thượng đang ở vào giai đoạn cuối chuẩn bị bàn giao, Tập đoàn CMH Việt Nam chưa có thêm hợp đồng thi công xây dựng mới nào được triển khai.