Lỗ luỹ kế tới gần 8.500 tỷ đồng, HAGL Agrico (HNG) bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

31/08/2024 08:18 GMT+7
Trong báo cáo bán niên, kiểm toán viên có nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân do HAGL Agrico có lỗ lũy kế là 8.466 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu thuần  đạt 147,2 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 363,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 247 tỷ đồng cùng kỳ.

Trong năm 2024, HAGL Agrico lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần dự kiến đạt 694 tỷ đồng và lỗ trước thuế khoảng 120 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, Công ty đã thực hiện hơn 21% kế hoạch doanh thu nhưng còn cách xa mức lỗ dự kiến năm.

Theo giải trình, ban lãnh đạo HAGL Agrico lý giải nguyên nhân lỗ nặng trong năm nay chủ yếu là do doanh thu mảng cây ăn trái chỉ đạt 87 tỷ đồng, sản lượng 7.193 tấn, giảm 54% so với cùng kỳ vì phần lớn Công ty chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 971 ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, trong khi cùng kỳ là 1.986 ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đối với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất…

Ngoài ra, doanh thu mảng cây cao su chỉ đạt 58 tỷ đồng, sản lượng 1.721 tấn do tình trạng thiếu công nhân cạo mủ. Bên cạnh đó, chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là chi phí khấu hao dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.

Lỗ luỹ kế tới gần 8.500 tỷ đồng, HAGL Agrico (HNG) bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục- Ảnh 1.

Báo cáo tài chính bán niên 2024

Cũng trong báo cáo bán niên, kiểm toán viên có nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục, nguyên nhân do Công ty đã phát sinh khoản lỗ thuần là 363 tỷ đồng; lỗ lũy kế là 8.466 tỷ đồng; nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 10.345 tỷ đồng và vi phạm một số điều khoản của các khoản vay.

HAGL Agrico giải trình: Hiện nay công ty vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền hoạt động kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên liên quan giải quyết công nợ và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư. Trên cơ sở này, Công ty đã lập và trình bày Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2024 đáp ứng giả định hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của HAGL Agrico là 15.549 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó, tài sản dài hạn chiếm 84%, tương ứng 13.074 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn giảm còn 2.475,2 tỷ đồng, phần lớn là hàng tồn kho, ghi nhận 2.105,3 tỷ đồng.

Lỗ luỹ kế tới gần 8.500 tỷ đồng, HAGL Agrico (HNG) bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục- Ảnh 2.

(nguồn: Thuyết minh Báo cáo tài chính bán niên 2024)

Đáng chú ý, HAGL Agrico có khoản phải thu về cho vay từ Chính phủ Lào trị giá 1.404 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với đầu năm. Thuyết minh cho thấy, đây là khoản HAGL Agrico cho Chính phủ Lào vay không lãi suất nhằm hỗ trợ việc xây dựng Sân bay Quốc tế Nongkhang (tỉnh Huaphan) và Sân bay Quốc tế Attapeu (tỉn Attapeu). Khoản cho vay này sẽ được cấn trừ với tiền thuế, tiền thuê đất và các nghĩa vụ phải trả khác mà nhóm công ty phải nộp cho Chính phủ Lào trong tương lai hoặc sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả lại bằng tiền.

Tại ngày 30/6, tổng nợ phải trả của HAGL Agrico tăng 11% so với đầu năm, lên mức 13.162 tỷ đồng, tương ứng 85% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ở mức 9.136,9 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chiếm 59% tổng nguồn vốn.

Ở diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã thông báo 6/9 là ngày hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HNG, do Công ty đã có 3 năm (2021-2023) thua lỗ liên tiếp.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/8, giá cổ phiếu HNG giảm 2,46% so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 4.360 đồng/cổ phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục