Điều gì chờ đợi nữ Chủ tịch 8X của ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam?

18/02/2022 15:20 GMT+7
Chính thức trở thành nữ Chủ tịch tại Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú được kỳ vọng sẽ đưa Eximbank - ngân hàng "lạ nhất" Việt Nam, quay trở lại vị thế vốn có của ngân hàng trên thị trường tài chính. Nhưng điều đó không hề dễ dàng.

Như Dân Việt đã đưa tin, bà Lương Thị Cẩm Tú chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 ngày 15/2, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank với tỷ lệ phiếu bầu 62,2%.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Tú ngồi vào vị trí "thuyền trưởng" của Eximbank. Tháng 3/2019, bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến quyền lực đã khiến cho thượng tầng, trong đó có vị trí Chủ tịch của nhà băng này xáo trộn. Điều này là một phần nguyên do chính "kìm hãm" đà phát triển của Eximbank trong những năm vừa qua.

Sinh năm 1980, trước khi đầu quân cho Eximbank, bà từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng khác. Liệu nữ Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú có giúp Eximbank trở lại là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam như kỳ vọng của các cổ đông?


Điều gì chờ đợi nữ Chủ tịch 8X của ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam? - Ảnh 1.

Bà Lương Thị Cẩm Tú chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) nhiệm kỳ VII (2020-2025) - Ảnh: EIB

Thách thức tìm "lại mình" của Eximbank

Thực tế, Eximbank từng là 1 ngân hàng Top đầu khi lợi nhuận trước thuế đạt tới mốc trên 4.000 tỷ vào năm 2011. Nhưng thật khó tin khi hiện nay nhà băng này còn "thua" chính mình so với cách đây 10 năm.

Nhìn vào biến động lợi nhuận của Eximbank trong 1 thấp kỷ qua có thể thấy, mức độ tạo lãi bình quân hơn 2.500 tỷ đồng/năm giai đoạn 2010-2013 đã biến mất. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này của ngân hàng thậm chí âm 817 tỷ đồng.

3 năm trở lại đây, lợi nhuận trước thuế của Eximbank dù đã trở lại với con số nghìn tỷ, nhưng mới chỉ bằng 1/3 con số lợi nhuận mà nhà băng này ghi nhận vào thời kỳ hoàng kim (2010).

Điều gì chờ đợi nữ Chủ tịch 8X của ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam? - Ảnh 2.

Lợi nhuận Eximbank. (Tổng hợp BCTC hợp nhất)

Sau 10 năm Eximbank cũng "hụt hơi"" về quy mô tài sản, bị nhiều ngân hàng "bỏ lại" phía sau.

Tại LienVietpostBank- ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tính đến cuối năm 2021 đứng sau Eximbank, nhưng lợi nhuận năm 2021 đạt 3.638 tỷ đồng và quy mô tài sản gần 290 nghìn tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng có quy mô vốn điều lệ thấp hơn Eximbank là OCB, song quy mô tài sản của OCB hiện xếp trên Eximbank trong bảng xếp hạng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của OCB trong các năm gần đây đều "ăn đứt" Eximbank. Năm 2021, OCB ghi nhận 5.519 lợi nhuận trước thuế trong năm 2021, cao gấp 4,5 lần EIB.

Chỉ với 2 dẫn chứng kể trên có thể thấy, việc đưa Eximbank trở về vị thế vốn có của mình trên thị trường tài chính là một mục tiêu "tham vọng" và thách thức đối với tân Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú.

Chưa kể, tăng trưởng cho vay nằm ở mức thấp cũng là vấn đề mà nữ Chủ tịch Eximbank và các vị trí thượng tầng khác tại Eximbank phải lưu tâm. Mặc dù tăng trưởng cho vay năm 2021 của Eximbank đạt 14%, song tốc độ tăng trưởng bình quân cho vay khách hàng từ năm 2011 đến nay chỉ đạt 6,2%/năm. Thậm chí, năm 2020 tăng trưởng cho vay của Eximbank còn giảm 11%. Công ty chứng khoán HSC từng cho rằng, sự thiếu vắng một chiến lược trung hạn thực sự đã khiến Eximbank mất định hướng và tăng trưởng cho vay không được đều trong nhiều năm.

Cho vay là hoạt động mang lại thu nhập chính cho ngân hàng và do đó tăng trưởng từ mảng này có tính chất quyết định đến lợi nhuận. Bài toán tăng trưởng đã đặt ra nhiều năm với Eximbank và hiện tại là thách thức đối với bà Lương Thị Cẩm Tú khi nắm giữ chiếc ghế đứng đầu ban quản trị của ngân hàng.

Điều gì chờ đợi nữ Chủ tịch 8X của ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam? - Ảnh 3.

Tăng trưởng cho vay tại Eximbank. (Tổng hợp BCTC)

Áp lực cho vay "người nhà"

Tại ĐHĐCĐ ngày 15/2, Eximbank đã chốt xong danh sách 7 ứng viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ VII (2022-2025). Danh sách này đã phần nào hé lộ "cục diện" tại Eximbank. Theo đó, ngoài Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú, thượng tầng tại Eximbank có sự góp mặt của các thành viên liên quan đến Tập đoàn Thành Công và nhóm doanh nghiệp "họ" Hoàn Cầu.

Dàn lãnh đạo của Eximbank đã được "thay máu". Nhưng ở Eximbank vẫn tồn tại nhóm cổ đông mới và cũ, liệu sự chèo lái của bà Tú - với vai trờ là người đứng đầu HĐQT, có thể giúp mang lại sự ổn định cho ngân hàng này hay không?

Điều lo ngại nhất là từng có những cảnh báo bức tranh tài chính ở một số doanh nghiệp vốn dĩ rất thành công ở ngành gốc nhưng khi tấn công vào những ngành sở đoản như ngân hàng hay bất động sản lại chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.

Trong đó, dòng tiền là điều đáng lưu tâm với những doanh nghiệp liên tục dùng nguồn vốn vay để tài trợ cho các hoạt động góp vốn vào các doanh nghiệp bất động sản, đầu tư tài chính, mua gom cổ phiếu ngân hàng…

Hơn nữa trong thời gian qua, lợi ích mà các ông chủ, bà chủ tập đoàn kỳ vọng khi "rót tiền" nâng sở hữu tại các ngân hàng hay được "kết nạp" trong dàn lãnh đạo chủ chốt là có thể "bẻ lái" tín dụng đến các doanh nghiệp sân sau – theo lời của TS. Lê Xuân Nghĩa. Điều này liệu có xảy ra tại Eximbank?

Huyền Anh
Cùng chuyên mục