Định danh khách hàng điện tử eKYC: “Nóng” nhưng chưa hết khó?
Từ đầu tháng 7/2020 Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cho phép một số ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC).
Theo đó, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, qua đối chiếu chứng từ giấy, eKYC thực hiện định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI)...
Với những hữu ích này, ngày càng nhiều ngân hàng quyết định ra mắt các ứng dụng dựa trên eKYC. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng đã có khoảng 10 ngân hàng thông báo ra mắt tính năng mới này, trong đó có thể kể đến VPBank, VietCapitalBank, TPBank, MB, MSB, VIB, SeABank và Sacombank…
Chạy đua triển khai định danh khách hàng điện tử eKYC
Điển hình như tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), nhà băng này mới đây chính thức triển khai giải pháp mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng điện thoại di động MSB mBank với đầy đủ các tính năng của một tài khoản thanh toán (chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, quét mã QR, …). Đây là thành quả của việc áp dụng phương thức eKYC tự động toàn diện.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng triển khai eKYC trên ứng dụng Mobile Banking, hỗ trợ khách hàng giao dịch trực tuyến nhanh chóng, an toàn, mà không cần trực tiếp đến ngân hàng. Sau khi thông tin định danh được cập nhập trên hệ thống HDBank Mobile Banking, khách hàng có thể giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn, liên kết ví điện tử...
Không ngoại lệ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng áp dụng giải pháp eKYC cho phép định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại.
Từ đó, khách hàng được mở tài khoản thanh toán 100% online để thực hiện giao dịch ngay như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử… với hạn mức nộp tiền tối đa 10 triệu đồng/ngày.
Đại diện ngân hàng này còn cho biết, sắp tới đây VPBank sẽ còn nâng cấp dịch vụ mở tài khoản doanh nghiệp online với việc ứng dụng công nghệ eKYC (định danh khách hàng điện tử) cho phép vượt qua mọi rào cản địa lý và thời gian. Công nghệ này giúp nhận diện khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics), giúp việc tạo tài khoản nhanh hơn, an toàn hơn. Khách hàng có thể thực hiện giao dịch được ngay tức khắc mà không cần chờ đợi các công đoạn thủ tục như thông thường
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã đưa vào tiện ích cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán qua ứng dụng Viet Capital Mobile Banking, thực hiện eKYC ngay trên ứng dụng và ngay sau đó có thể giao dịch từ gửi tiết kiệm, chuyển - nhận tiền, thanh toán hóa đơn, liên kết ví…
Điều đáng nói, chỉ sau vài tháng thí điểm eKYC, hàng chục nghìn tài khoản thanh toán mới đã được mở bằng phương pháp eKYC.
Đơn cử như VPBank, chỉ sau 2 tháng ứng dụng eKYC, ngân hàng đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020. VPBank dự tính trong năm nay sẽ có thêm khoảng 30.000 tài khoản khách hàng mới đăng ký qua eKYC.
Tại TPBank, tháng đầu triển khai eKYC đã thu hút gần 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức này, tương đương 85% lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống.
Tại HDBank, quy mô khách hàng đăng ký mới trên ứng dụng cũng đạt 35.000 lượt, với 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến.
Vẫn còn những "nút thắt"
Dù áp dụng eKYC được xem như "cánh cửa" để các nhà băng bước vào ngân hàng số. Tuy nhiên, vì đang giai đoạn thí điểm, kiểu "vừa làm, vừa nghe, vừa sửa" nên các ngân hàng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Hiện nay, một số ngân hàng đã áp dụng hình thức eKYC, nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn đang gấp rút hoàn thành hành lang pháp lý để đẩy mạnh hoạt động này. Chính vì vậy, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng chủ động trong việc dùng eKYC và đảm bảo trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất của việc triển khai eKYC đối với ngân hàng và khách hàng là tình trạng làm giả giấy tờ định danh cá nhân tại Việt Nam vẫn đang tồn tại phổ biến và ngày càng tinh vi với sự trợ giúp của công nghệ. Điều này làm cho việc đối chiếu thông tin và giấy tờ pháp lý mà khách hàng cung cấp qua ảnh chụp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai eKYC đối với ngân hàng đó là Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia, khiến cho ngân hàng gặp khó khăn khi xác định thông tin khách hàng.
Một số ngân hàng tự làm dày cơ sở dữ liệu bằng cách chủ động kết nối với các nhà mạng viễn thông hay các tổ chức khác để thu thập thông tin khách hàng. Việc này lại đặt ra vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng, khi mà nhiều khách hàng không hề biết đến việc trao đổi thông tin giữa đơn vị viễn thông và ngân hàng.
Theo đại diện các ngân hàng, vẫn còn có những vấn đề cần phải khắc phục để hoàn thiện tối đa việc phục vụ khách hàng như các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC còn chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống...
Hiện, các ngân hàng áp dụng hình thức eKYC chủ yếu trong việc mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ. Trong khi đó, với hoạt động cho vay - một trong những trụ cột doanh thu của ngân hàng thì vẫn chưa thể triển khai được do quy định của Ngân hàng Nhà nước là người vay phải có chữ ký trên hồ sơ vay vốn.
Do vậy các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm cho phép các ngân hàng áp dụng eKYC cho sản phẩm vay online để làm phong phú hơn các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC.