Vì sao các ngân hàng còn “ngại” eKYC?
Theo các chuyên gia, quan hệ thương mại và tín dụng tiêu dùng sẽ trở nên nhanh chóng hơn khi có eKYC (định danh khách hàng điện tử). "eKYC là một trong những mắt xích trọng yếu trong phát triển ngân hàng số", ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định và cho biết: Lợi ích của phát triển eKYC hiện nay với chi phí thấp ngân hàng sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm chuyển tiền với mức phí bằng không.
Ngân hàng số làm eKYC không đơn giản là tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng tiện ích cho người dùng, đo đếm được sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ, từ đó điều chỉnh sản phẩm dịch vụ theo hướng tăng chất lượng dịch vụ và giảm thiểu các rủi ro trong giao dịch của ngân hàng với khách hàng.
Hiện nay, trên thế giới một số công ty cho vay trực tuyến đã cho vay mà không cần văn phòng truyền thống. Ví dụ: người tiêu dùng đến siêu thị muốn mua một chiếc tivi giá 100 triệu đồng, nhưng trong tài khoản chỉ có sẵn 20 triệu đồng. Nếu có xác thực điện tử khách hàng, nhà cho vay liên kết với điểm bán lẻ sẽ cho vay 80 triệu đồng còn lại để người tiêu dùng mua chiếc tivi yêu thích ngay lập tức mà không cần phải đến quầy giao dịch ngân hàng.
Tại Việt Nam, Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền, có điểm sửa đổi quan trọng liên quan đến việc triển khai định danh khách hàng theo phương thức điện tử (eKYC), đó là cho phép ngân hàng được quyết định gặp mặt hoặc không gặp mặt khách hàng lần đầu khi thực hiện các giao dịch liên quan đến công nghệ mới.
Mặc dù các ngân hàng phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng nhưng đây cũng là một thông tin rất quan trọng. Như lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN từng ví von nó như tấm vé gửi xe đầu tiên cho các ngân hàng chuyển đổi số hoá.
Là một ngân hàng có bước đột phá trong chuyển đổi ngân hàng số, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho rằng, thay đổi này đã tháo gỡ một trong những vướng mắc lớn nhất của các nhà băng về ngân hàng số. "Quy định của Nghị định 87/2019/NĐ-CP là tiền đề để ngân hàng tiếp xúc khách hàng dễ dàng hơn", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng thừa nhận, đây là thông tin vui cho các ngân hàng. LienVietPostBank cũng chuẩn bị cách đây cả năm để sẵn sàng triển khai eKYC.
Tuy nhiên, để đưa eKYC vào hiện thực thì cần có quy định rõ ràng nên ngân hàng sẽ phải chờ khi nào có quy định hướng dẫn chi tiết của NHNN mới triển khai. Vì thực tế, khi không gặp mặt trực tiếp, ngân hàng cần có biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng. Chẳng hạn như chụp chứng minh thư lưu 2 mặt, quay camera trực tiếp khuôn mặt người đó trên online… Nhưng ở Việt Nam vẫn còn xảy ra tình trạng làm giả chứng minh thư, thẻ căn cước…
Do vậy, điều cần nhất đối với các ngân hàng khi triển khai eKYC phải kết nối được cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an mới đảm bảo thông tin chính xác được. "Giả sử trong trường hợp khách hàng mất chứng minh thư, thì ra công an xác nhận đúng vân tay của người đó mới tin tưởng được. Chứ khuôn mặt giờ có thể phẫu thuật thẩm mỹ nên độ tin cậy không cao", ông Thắng nói thêm.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác cũng cho biết, do chưa có hệ thống dữ liệu quốc gia có thể chia sẻ cho các bên, nên các ngân hàng phải tự thu thập làm dày thông tin dữ liệu của khách hàng bằng nhiều cách như xây dựng hệ thống nhận dạng thông qua sinh trắc học riêng, chủ động kết nối với các nhà mạng viễn thông thu thập thông tin khách hàng…
Sự thận trọng đối với triển khai eKYC được cho rằng là cần thiết. Tại cuộc họp gần đây, chia sẻ kinh nghiệm triển khai eKYC từ thị trường khác, đại diện của McKinsey cho hay, dù không phủ nhận eKYC có rất nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều rủi ro, nhất là rủi ro gian lận. Đặc biệt, là hạ tầng công nghệ có hỗ trợ tốt cho thực hiện eKYC hay không.
Do đó, đây là vấn đề cần cẩn trọng nên thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà và tham khảo bài học cả thành công và thất bại ở một số nước để ứng dụng eKYC tại Việt Nam sao cho đạt hiệu quả cao nhất mà hạn chế được rủi ro.
"Các ngân hàng Việt Nam có thể áp dụng eKYC với một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể thay vì áp dụng ồ ạt. Ví dụ, có thể áp dụng với thẻ tín dụng… Đồng thời, phải theo dõi đánh giá tác động với sản phẩm thử nghiệm trước khi nhân rộng ra đại trà với sản phẩm khác nhau", đại diện của McKinsey gợi ý về cách tiếp cận đối với eKYC.
eKYC nếu làm nghiêm túc có thể an toàn hơn là xác thực trực tiếp, nhưng độ tin cậy cũng như bảo mật thông tin khách hàng và phòng chống rủi ro là yếu tố sống còn của ngân hàng. Do vậy, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, nếu không kiểm soát được rủi ro họ chưa dám triển khai eKYC.
"Dù không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua ngân hàng số, nhưng an toàn của cả ngân hàng và khách hàng vẫn là trên hết. Cánh cửa đầu tiên với ngân hàng số đã được mở, nhưng chưa dễ vào", lãnh đạo một ngân hàng khẳng định.