DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp

18/03/2022 06:44 GMT+7
Xung đột Nga và Ukraine kéo dài, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp tới nhiều DN trong ngành gỗ, do chi phí vận chuyển tăng cao, khiến lợi nhuận của DN bị giảm. Bên cạnh đó, nhiều DN đã ký kết đơn hàng trước nhiều tháng không thể đàm phán điều chỉnh tăng giá và có nguy cơ bị thua lỗ.
DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 1.

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2022 đạt 882,3 triệu USD, giảm 6% so với tháng 2/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 683,5 triệu USD, giảm 3,7% so với tháng 2/2021. 

Tính chung, 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,44 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giao dịch xuất khẩu hàng hoá sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nga chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nếu có tác động thì mức độ ảnh hưởng tới ngành gỗ không lớn. 

Tuy nhiên, nếu xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu trong ngành gỗ, do chi phí vận chuyển tăng cao, khiến lợi nhuận của DN bị giảm. Bên cạnh đó, nhiều DN đã ký kết đơn hàng trước nhiều tháng không thể đàm phán điều chỉnh tăng giá và có nguy cơ bị thua lỗ.

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Được biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính đều tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, trừ thị trường Trung Quốc, Pháp và Nga. 

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 242,9 triệu USD, tăng 12,6%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc, đạt 199,97 triệu USD, giảm 9,1%; Hàn Quốc đạt 152,9 triệu USD, tăng 18,9%; Anh đạt 44,6 triệu USD, tăng 22%... 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nga trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,3 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm 0,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Vì vậy, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng không có tác động lớn tới ngành gỗ, bởi tỷ trọng xuất khẩu sang Nga rất thấp.

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động từ xung đột Nga-Ukraine, các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang cố gắng hướng tới thị trường lớn Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc đạt 995,2 triệu USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trung Quốc có nhu cầu lớn về đồ nội thất do dân số đông và thu nhập khả dụng ngày càng tăng. Ngoài ra, đô thị hoá, thị trường bất động sản tăng nhanh cũng là những yếu tố góp phần tăng nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất tại thị trường này.

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Hiện các nước như Ý, Đức, Ba Lan... đang xuất khẩu mạnh đồ gỗ sang Trung Quốc. Cụ thể: Ý là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Trung Quốc trong năm qua, đạt 440,4 triệu USD, tăng 30,4% so với năm 2020, chiếm 44,3% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc. Tiếp theo là thị trường Đức đạt 153,1 triệu USD, giảm 3%, chiếm 15,4%; Việt Nam đạt 93,2 triệu USD, giảm 8,1%, chiếm 9,4%; Ba Lan đạt 51,4 triệu USD, giảm 8%, chiếm 5,2%...

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trong năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều nhất là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360) và ghế khung gỗ (mã HS 940161 + 940169). Tỷ trọng nhập khẩu 2 mặt hàng này chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của năm 2021, dự báo năm nay có thể tăng lên 66-67%. 

Trong đó, nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Trung Quốc năm 2021 đã đạt 336,5 triệu USD, tăng 3,3% so với năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu từ thị trường Ý, đạt 128,2 triệu USD, tăng 22,2% so với năm 2020, chiếm 38,1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; tiếp theo là thị trường Việt Nam, Ba Lan và Litva… 

Nhập khẩu ghế khung gỗ của Trung Quốc năm 2021 đạt 309,1 triệu USD, tăng 26% so với năm 2020. Ý, Việt Nam, Thái Lan và Pháp là những thị trường cung cấp ghế khung gỗ lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2021.

DN gỗ bị tác động cực xấu nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài và giá xăng dầu tăng tiếp - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục