Úc trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp nhất cho Việt Nam

11/03/2022 17:54 GMT+7
Úc hiện trở thành thị trường cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp đáng tin cậy nhất cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam...

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Úc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trong tháng 11/2021 đạt 151,6 triệu USD, giảm 11,5% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Úc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Úc trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp nhất cho Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: ITC

Trong 11 tháng năm 2021, Úc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, đạt 1,07 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 70% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Úc. 

Tiếp theo là thị trường Việt Nam, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chiếm 10,6% tổng trị giá đồ nội thất gỗ Úc nhập khẩu, đạt 162,6 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường Úc. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang thị trường Úc có rất nhiều thuận lợi, bởi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Bên cạnh đó, Việt Nam và Úc cũng đã hoàn tất ký kết Chiến lược Tăng cường Gắn kết Kinh tế hai bên và sẽ triển khai ngay trong năm 2022. Chiến lược này dự kiến đặt ra một lộ trình tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư giữa 2 quốc gia. 

Ngoài ra, Úc còn trở thành thị trường cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp đáng tin cậy cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam.

Úc trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp nhất cho Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: ITC

Trong 11 tháng năm 2021, Úc tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Tỷ trọng nhập khẩu 2 mặt hàng này chiếm 74,3% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Úc. 

Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ, đạt 625,9 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020; Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 513,6 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây đều là các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam, nếu tận dụng các cơ hội nêu trên, tỷ trọng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Úc sẽ tăng rất mạnh.

Úc trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp nhất cho Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn: ITC

Được biết, trong tháng 02/2022, mặc dù hoạt động xuất khẩu bị chững lại trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng, ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với tháng 02/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 856 triệu USD, tăng 20,6% so với tháng 02/2021. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 cũng vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành với nhiều mục tiêu đặt ra cho ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.

Mục tiêu chung của Đề án này là đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, trị giá xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.

Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Úc trở thành thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu hợp pháp nhất cho Việt Nam - Ảnh 4.

Xuất khẩu gỗ, lâm sản đặt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Đề án cũng đặt mục tiêu lớn phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, với việc hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, thân thiện với môi trường.

Đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ keo dán gỗ, các chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics.

Xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ phù hợp với nhu cầu, văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục