DNNN Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu
Báo động tình trạng nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc
Thống kê của Fitch Ratings cho thấy trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay đã lên tới 40 tỷ NDT (6,1 tỷ USD), tức bằng tổng trị giá các vụ vỡ nợ trái phiếu trong hai năm qua cộng lại.
Vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây khi hàng loạt các đại công ty nhà nước Trung Quốc bao gồm đối tác của BMW là Brilliance Auto Group, nhà sản xuất chip điện thoại thông minh hàng đầu Tsinghua Unigroup và tập đoàn điện than Yongcheng Coal and Electric đồng loạt tuyên bố vỡ nợ trái phiếu. Hỗn loạn trên thị trường trái phiếu thậm chí còn tràn sang cả thị trường chứng khoán.
Sở dĩ những vụ vỡ nợ này trở thành tín hiệu đáng báo động là bởi trước đây, mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương Trung Quốc thường khiến các thị trường coi đây là lựa chọn đầu tư an toàn. Giờ đây, khi nhà nước có xu hướng để mặc doanh nghiệp quốc doanh phá sản, giới đầu tư có thể phải nghĩ lại về tính an toàn của loại trái phiếu này.
Thêm vào đó, khu vực kinh tế công đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC cho thấy các doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp khoảng 1/3 trong quy mô GDP quốc gia nhưng chiếm tới hơn một nửa các khoản vay tín dụng do ngân hàng cung cấp và khoảng 90% trái phiếu doanh nghiệp của cả nước.
Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group nhận định: “Niềm tin vào sự hậu thuẫn của chính phủ là bức tường quan trọng nhất chống lại khủng hoảng tài chính. Giờ đây, chúng ta đang thấy sự tín nhiệm này bị xói mòn”.
Trong lịch sử nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh ít khi để các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ. Giới chức nước này tin rằng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp quốc doanh và chính phủ là vô cùng quan trọng để duy trì sự ổn định của hoạt động kinh tế. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh dường như đang bỏ mặc những vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính yếu kém. Việc vỡ nợ hàng loạt sẽ làm suy yếu hệ thống tài chính quốc gia. Nghĩa là cách tiếp cận của Bắc Kinh đang đẩy thị trường trái phiếu Trung Quốc đến bờ vực rủi ro.
“Mặc dù các nhà chức trách muốn thanh trừng những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, nhưng họ không thể kiểm soát được rủi ro tín dụng sẽ lây lan lớn đến đâu”. Nếu Bắc Kinh không kiểm soát được phạm vi các vụ vỡ nợ trái phiếu, làn sóng này có thể làm căng thẳng thị trường tài chính, gây áp lực lên thanh khoản khả dụng. Thực tế, nguồn tài chính trên thị trường trái phiếu đã giảm mạnh trong tháng 11 qua, theo số liệu thống kê mà PBOC vừa công bố trong tuần này.
Những vấn đề như vậy có thể sẽ gây áp lực lên sự phục hồi kinh tế vốn đã mong manh của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung sau đại dịch Covid-19. IMF kỳ vọng Trung Quốc đạt tăng trưởng 1,9% trong năm nay, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu tăng trưởng dương. Nhưng đây sẽ là mức tăng trưởng hàng năm yếu nhất trong 4 thập kỷ của Trung Quốc. Và những vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước như hiện tại có nguy cơ trở thành gánh nặng hơn nữa.
“Mặc dù vỡ nợ không làm chệch hướng lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong một sớm một chiều, nhưng nó sẽ dần dần làm suy yếu tác động của các chính sách kích thích kinh tế” - Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc từ Capital Economics nhận định.
Xu hướng vỡ nợ trái phiếu không thể tránh
Dù nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu kỷ lục trong năm nay có thể do tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng các nhà quan sát chỉ ra thực tế là doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tích lũy gánh nặng nợ lớn trong nhiều năm qua.
Các nhà phân tích tại Nomura đã viết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây: “Chúng tôi cho rằng những vụ vỡ nợ là không tránh khỏi”, đồng thời chỉ ra chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ khu vực kinh tế công hàng nghìn tỷ USD kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay. Nhưng những hỗ trợ đó không tạo ra lợi nhuận như mong đợi.
Từ trước đến nay, các ngân hàng Trung Quốc luôn ưu tiên doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp tư nhân, cho phép họ tiếp cận nguồn tín dụng dễ dàng hơn. Xu hướng đó thậm chí mạnh lên trong những năm gần đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng khu vực kinh tế công mạnh hơn.
Để giúp các công ty phục hồi sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể các hạn chế về tài chính bất chấp nguy cơ nợ xấu tăng lên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong việc phát hành trái phiếu tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Theo Pengyuan International, một cơ quan xếp hạng của Trung Quốc, các công ty quốc doanh đã huy động được tổng cộng 8,5 nghìn tỷ NDT (1,3 nghìn tỷ USD) từ việc phát hành trái phiếu, trong khi con số này ở khu vực tư nhân chỉ là 857 tỷ NDT (131,2 tỷ USD).
Tất cả những yếu tố trên đã tạo thành một cơn bão cho thị trường trái phiếu khu vực công, khi giá trị các vụ vỡ nợ tăng lên đáng kể. Các nhà phân tích của Nomura ước tính rằng vào giữa tháng 11, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc đã lên mức 178 tỷ NDT (27 tỷ USD). 43% trong đó đến từ các doanh nghiệp nhà nước, tăng mạnh 30% so với mức trung bình hàng năm. Theo Nomura, xu hướng vỡ nợ trái phiếu khu vực công ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.
Không phải vụ vỡ nợ nào cũng được Bắc Kinh cứu nguy!
Bắc Kinh đã và đang thực hiện một số biện pháp xoa dịu thị trường tín dụng. Hồi tháng 11, PBOC đã bơm 1 nghìn tỷ NDT (153 tỷ USD) vào thị trường thông qua công cụ cho vay trung hạn MLF để giảm bớt căng thẳng thanh khoản, rút bớt áp lực cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng Liu He, người điều hành Ủy ban ổn định tài chính của Trung Quốc cũng đang cố gắng vực dậy lòng tin thị trường khi kêu gọi các chính quyền địa phương tăng cường hệ thống cảnh bảo phát hiện rủi ro tài chính và duy trì thanh khoản ở ngưỡng ổn định. Nhưng mặt khác, ông Liu He cũng tuyên bố không phải doanh nghiệp nào cũng được Bắc Kinh cứu nguy, và rằng Bắc Kinh sẽ không khoan nhượng với những vụ “vỡ nợ chiến lược”.
Tuy nhiên, việc để xảy ra quá nhiều vụ vỡ nợ ồ ạt có thể đe dọa sự ổn định tài chính và phục hồi trong ngắn hạn. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây đã chỉ ra rằng làn sóng vỡ nợ trái phiếu có thể tràn sang hệ thống ngân hàng, khiến các ngân hàng cắt giảm cho vay trên diện rộng hoặc tăng lãi suất.