Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng chi phí thấp hơn

14/03/2024 14:56 GMT+7
Sáng nay 14/02, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản chia sẻ những khó khăn về việc tiếp cận vốn tín dụng cũng như đề xuất cụ thể để tháo gỡ.

Giảm chi phí vay vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất sát sao, cụ thể, qua đó mang lại những hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng. Nhờ quy định mới về visa và các chính sách thông thoáng khác cho ngành du lịch, riêng Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) của Sun Group đạt 5 triệu khách trong năm vừa rồi. Năm nay dự kiến 7 triệu khách và đến thời điểm này đã đạt được 2 triệu khách đi cáp treo.

Riêng với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, với danh nghĩa là một doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cũng cho biết đã có những tác động cụ thể và tích cực. Bên cạnh việc tháo gỡ về chính sách thì Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các chính sách tiền tệ hỗ trợ kinh tế, nhất là việc duy trì lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay và thực tế chúng tôi đã được vay với lãi suất giảm rất là nhiều so với năm ngoái.

"Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giao các hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm giúp cho các ngân hàng thương mại và chúng tôi hợp tác có những kế hoạch ngay từ đầu năm để phục vụ khách hàng. Thông tư 22/2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 điều chỉnh giảm hệ số rủi ro một số khoản vay giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm dư địa cho việc hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội và các dự án bất động sản công nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn", ông Trường chia sẻ.

Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng chi phí thấp hơn- Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản mong tiếp cận vốn tín dụng chi phí thấp hơn (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó thì các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đi các địa phương để tháo gỡ kịp thời rất nhiều các dự án cụ thể về bất động sản. Tuy nhiên để đẩy nhanh tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Sun Group đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

"Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Tiếp đó là với các chính sách hiện hành cũng như trong tương lai hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất", ông Trường kiến nghị.

Đặc biệt, Chủ tịch Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4 - 5%). Do đó, mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Thủ tục pháp lý kéo dài khiến dòng tiền, kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Cũng về vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) cho biết, một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc là tất cả kế hoạch, phát hành trái phiếu – là những lĩnh vực chính của Becamex, vì khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

"Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường có kế hoạch phát hành, kế hoạch sử dụng, kế hoạch trả nợ thường kéo dài nên ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ, dẫn đến ảnh hướng về vay tín dụng. Khi Becamex triển khai các dự án trên cả nước, rõ ràng dự án khi triển khai chậm hơn so với trước đây. Trước đây, chúng ta có chủ trương của Thủ tướng, chúng ta có luôn một hoạch định và thời gian, chúng ta tính được hiệu quả của dự án, thì thời gian sau này, các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài, cho nên dòng tiền và kế hoạch trả nợ gặp khó khăn", ông Cương chia sẻ.

Lãnh đạo của Becamex cũng cho biết qua nhiều hội nghị năm 2023, Thủ tướng và các bộ, ngành đã gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp của bất động sản, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Rõ ràng, sự quyết tâm của Chính phủ đã rõ, nhưng chặng cuối là chặng quyết định nhất, đó là các thủ tục hoàn thành để được ngân hàng đến với doanh nghiệp.

"Tín dụng không khó, khi doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì pháp lý chưa đầy đủ, vì vậy chúng ta cần tập trung khúc này. Đối với Becamex, chúng tôi cho rằng, vướng mắc là do cơ chế, về giải quyết công việc, còn các công đoạn khác rất tốt", ông Cương cho biết thêm.

Trong xu thế mới, nếu hoạt động đơn thuần là kinh doanh bất động sản thì sẽ rất khó khăn, vì vậy, lĩnh vực của Becamex hiện nay tập trung trong năm 2024 là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người dân tại Bình Dương và dự định vừa xây dựng và vừa mở rộng từ 10.000 - 20.000 căn hộ trong năm 2024. Tất cả các dự án tại các địa phương khác, Becamex cũng đưa ra mô hình này để phát triển nhà ở xã hội.

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục