Công nghiệp phụ trợ trong nước: Làm thử thì đạt, làm thật thì lỗi

Trần Khánh Thứ năm, ngày 15/09/2022 17:09 PM (GMT+7)
Cục Công Nghiệp (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp trong nước cần khắc phục các điểm yếu về nhân lực, công nghệ, vốn cũng như mối liên hệ với các doanh nghiệp khác và doanh nghiệp FDI để đón nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bình luận 0

Đây là một trong những góp ý đặt ra tại Hội thảo Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng – cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 15/9.

Công nghiệp hỗ trợ ở Bình Dương chưa bền vững

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên kinh tế xã hội nói chung ở Bình Dương vẫn có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể.

8 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm GRDP của Bình Dương tăng 7,36% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp Bình Dương tăng 8,6%, trong đó ngành sản xuất chế tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt.

Hội thảo Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng – cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 15/9. Ảnh: Trần Khánh

Hội thảo Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng – cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 15/9. Ảnh: Trần Khánh

Kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt 26,9 tỷ USD; tăng 11,5% so cùng kỳ. Bình Dương là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ USD. Bên cạnh đó, các chỉ số quản lý điều hành đều có sự cải thiện rõ nét.

Ông Minh cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm.

Chuỗi cung ứng ngành công nghiệp hỗ trợ ở Bình Dương chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp toàn tỉnh.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

"Để công nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương tiếp tục xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thu hút đầu tư ở các ngành có tiềm năng cao", ông Mình cho biết.

Khắc phục điểm yếu để đón sự chuyển dịch chuỗi cung ứng

Hiện nay, dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Theo các chuyên gia và chính các doanh nghiệp, sự chuyển dịch này tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ hội không đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu về chất lượng, tính ổn định sản phẩm cũng như giá thành cạnh tranh chưa cao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Long Hưng ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Tiểu Mi

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Long Hưng ở TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Tiểu Mi

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM cho biết, khi các doanh nghiệp Nhật đưa ra mẫu linh kiện để kêu gọi hợp tác, doanh nghiệp Việt Nam thường khẳng định ngay là có thể làm được.

Tuy nhiên, khi làm thử, doanh nghiệp làm 100 chiếc nhưng chỉ có 10 sản phẩm đạt yêu cầu; 90 chiếc còn lại thì không. Điều này cho thấy, dù làm được nhưng sự ổn định trong chất lượng của các sản phẩm lại chưa có. Trong khi với ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉ lệ sai sót cho phép luôn rất thấp, ông Nobuyuki Matsumoto cho biết.

Ông Preben Elnef – Tổng giám đốc Tập đoàn Lego chia sẻ kinh nghiệm đầu tư công nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Preben Elnef – Tổng giám đốc Tập đoàn Lego chia sẻ kinh nghiệm đầu tư công nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Phil Kyun Choi - Giám đốc phụ trách mảng doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, 2-3 năm gần đây, chuỗi cung ứng đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, và một số nước khác.

Tuy nhiên ông Phil Kyun Choi không chắc liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc sớm hay không. Bỡi vì, các nhà đầu tư FDI đánh giá, mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn.

Những thách thức này tập trung ở lực lượng lao động; ngành công nghiệp phụ trợ và chi phí logictics.

Theo ông Phil Kyun Choi, phát triển cụm công nghiệp được xem là giải pháp lý tưởng để Việt Nam giải quyết 3 thách thức lớn nói trên để đón nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần khắc phục các điểm yếu về nhân lực, công nghệ, vốn để đón nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cần cải thiện hơn nữa mối liên hệ với các doanh nghiệp khác ở trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI, để từ đó tạo ra hệ sinh thái phát triển công nghiệp bền vững", ông Tuấn Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem