Doanh nghiệp lao đao vì hàng tồn kho

30/07/2020 10:26 GMT+7
Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc sức mua của người tiêu dùng ở rất nhiều ngành hàng giảm đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng tồn kho gia tăng. Thống kê hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp (DN) đang rơi vào cảnh lao đao do lượng hàng tồn kho quá lớn.
Doanh nghiệp lao đao vì hàng tồn kho - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đau đầu với hàng tồn kho.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama) cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính từ đầu năm đến nay giảm 31% so với cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 32%, xe thương mại giảm 25% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến hết tháng 6/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43% trong khi xe nhập khẩu giảm 21% so với cùng kỳ năm rồi. Chỉ số tồn kho của ngành sản xuất ô tô nói riêng và sản xuất xe có động cơ nói chung hiện nay được ghi nhận là tăng kỷ lục.

Như số liệu mới công bố của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay chỉ số tồn kho của sản xuất xe có động cơ đã tăng đến 129,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho trong nửa đầu năm nay được đánh giá là tăng cao so với cùng thời điểm năm trước. Điển hình như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng đến 156,2%.

Ông Phan Văn Quân, đại diện một DN chuyên sản xuất ngành nhựa tại TP HCM cho biết, sản phẩm của công ty trong mùa dịch Covid-19 không phải là mặt hàng thiết yếu, tâm lý người tiêu dùng ít mua sắm sản phẩm gia dụng nên DN khó khăn trong đầu ra, dẫn đến tăng tỷ lệ hàng tồn kho là khó tránh khỏi.

“Đến nay cũng đã hết nửa năm rồi, do ảnh hưởng dịch bệnh nên rõ ràng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không thể bằng năm trước. Và chúng tôi cũng hy vọng sẽ dần dần lấy lại thị phần nhưng cũng không thể nào như mong muốn trong kế hoạch đề ra cho năm 2020” - ông Quân nói.

Việc gia tăng chỉ số hàng tồn kho đang “đè nặng thêm áp lực” lên nhiều DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo hiện nay khi xu hướng phục hồi hậu Covid-19 vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là từ thị trường xuất khẩu, trong khi sức mua ở thị trường trong nước thì đang có giới hạn nhất định.

Trong việc giải bài toán tồn kho ở ngành chế biến, chế tạo có thể liên hệ đến ngành dệt may trong bối cảnh ngành này có thể mất tới 50% đơn đặt hàng như hồi tháng 5/2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Theo đó, các DN dệt may trong nước đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể như khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì DN chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống.

Theo Bộ Công thương, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.

Quốc Định/Daidoanket
Cùng chuyên mục