Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Hàng tỷ đồng một cái máy cày nhưng không thể thế chấp ngân hàng
Bù lỗ mỗi tháng vào nông nghiệp công nghệ cao từ 1,5 - 3 tỷ đồng
Mặc dù đã trải qua một thập kỷ kể từ khi Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/1/2010 tại Quyết định số 176/QĐ-TTg, đến nay cả nước mới có 3 khu nông nghiệp công nghệ cao, 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng.
Việc chậm phát triển của nông nghiệp công nghệ cao được xác nhận do liên quan đến những nguyên nhân đã được nói đến trước đó rất nhiều, đó là nguồn vốn, đất đai, nhân lực.
Chia sẻ tại Diễn đàn "Phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" vừa mới tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tân - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và thương mại phong cách mới (Queen Farm) - chia sẻ, năm 2017, ông bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao. Để có được vốn ban đầu mua lại đất nông nghiệp của người dân đã là một vấn đề nan giải, chưa kể đến vốn để đầu tư các công trình hạng mục phục vụ cho sản xuất như nhà màng, nhà lưới…
"Các ngân hàng còn đang có rất ít các nguồn vốn vay cho nông nghiệp, chưa kể việc tiếp cận được còn phải chuẩn bị rất nhiều thủ tục mà doanh nghiệp làm nông nghiệp rất khó để đáp ứng" - ông Tân cho hay.
Cũng bày tỏ băn khoăn lớn nhất trong quá trình làm nông nghiệp công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hiền Lê (Hiền Lê Group) - chia sẻ, hiện tại chúng tôi không được tiếp cận ngân hàng vì đi ngân hàng nào cũng yêu cầu phải thế chấp.
"Ô tô thế chấp được ngay nhưng máy cày, máy gặt đập thì không thế chấp được. Hàng tỷ đồng một cái máy nhưng về thế chấp không vay được tiền từ ngân hàng. Đó là điều bất cập" - bà Hiền nói.
Bà Hiền cho biết thêm, sản xuất bền vững, đến nay, chúng tôi khẳng định chưa có lãi vẫn phải bù lỗ chạy máy móc, nguyên liệu coi như bù lỗ mỗi tháng vào lĩnh vực nông nghiệp từ 1,5 - 3 tỷ đồng. 5 năm nay tôi đã mất hàng trăm tỷ đồng vào ngành nông nghiệp nhưng tôi vẫn làm vì tự hào nông sản đứng hàng đầu", bà Hiền nói.
Nêu quan điểm về những khó khăn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chỉ rõ, rào cản lớn vốn khiến việc đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất giống, công nghệ sản xuất, chế biến và đào tạo nhân lực bị thiếu hụt. Trong khi đó, để thành lập và phát triển trang trại chăn nuôi ở mức quy mô trung bình theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chi phí gấp từ 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống; đầu tư một hecta nhà kính có đầy đủ hệ thống tưới nước, phun sương, bón phân tự động hóa theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10-15 tỷ đồng; sử dụng thiết bị flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả rất cao nhưng giá thành lên đến gần 10.000 USD.
Ngân hàng thừa nhận thủ tục vay vốn là rào cản
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó phòng Phát triển giải pháp tài chính – Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Viettinbank) cho biết, các giải pháp tài chính tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, với mắt xích chính là doanh nghiệp và cho vay trọn đời dự án,… hiện chưa có những phương án đồng bộ.
Bà Nguyễn Thùy Dương cho biết, các thách thức trong tài trợ chuỗi nông nghiệp đang gặp phải như xác định đối tượng ưu tiên thiếu các quỹ bảo hiểm cho lĩnh vực, thủ tục vay vốn, thẩm định cần nhiều thời gian, chưa có bộ tiêu chí đánh giá chuyên môn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Do đó, bà Nguyễn Thùy Dương kiến nghị các giải pháp tài trợ chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Cụ thể, kiến nghị các bộ ban ngành, các ngân hàng quốc tế chia sẻ các kinh nghiệm về tài trợ chuỗi cung ứng nông nghiệp cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Mặt khác, điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan đến vay vốn ngân hàng như các chính sách về tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trên đất như nhà kính trên đất nông nghiệp... Kiến nghị ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan có chính về dự trữ bắt buộc các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất nông nghiệp, xóa nợ đối với các khoản vay không có khả năng thu hồi đối với các rủi ro liên quan. Hỗ trợ phí bảo lãnh cho các nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích về giá để các hộ kinh doanh có lợi thế hơn về giá.
Bên cạnh đó, bà Dương cho rằng cần phát triển thêm một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp làm nông nghiệp yên tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Xây dựng chính sách hỗ trợ phí bảo lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy thêm các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào ngành nghề nhiều rủi ro này.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao - kiến nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như đơn giản hóa thủ tục cho vay, hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.