Doanh nghiệp ồ ạt gửi tiền, chênh lệch tiền gửi - tín dụng lớn nhất từ 2012
Theo cập nhật số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2020, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng tại ngày 30/9 là hơn 9,48 triệu tỷ đồng, tăng 7,85% so với đầu năm và tăng 1,66% so với cuối tháng 8.
Cụ thể, cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư tại tổ chức tín dụng là hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng 5,77% so với đầu năm và tăng 0,27% so với cuối tháng 8. Tiền gửi của dân cư tăng khá mạnh những tháng đầu năm nhưng bắt đầu có dấu hiệu tăng chậm lại kể từ tháng 6 đến nay.
Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp tăng khá mạnh trở lại trong những tháng trở lại đây. Tại ngày 30/9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 4,37 triệu tỷ đồng, tăng 10,39% so với đầu năm và tăng 15% so với hồi tháng 5.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế thường có tăng trưởng mạnh hơn so với dân cư trong những năm trở lại đây. Trước đó, trong năm 2019, tiền gửi của các TCKT tăng 18,59% trong khi của dân cư chỉ tăng 10,36%. Tương tự trong năm 2018, tiền gửi của doanh nghiệp tăng 16,06% trong khi tiền gửi của dân cư tăng 10,47%.
Bên cạnh số liệu về tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố chi tiết tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Theo đó, tại ngày 30/9/2020, tổng tín dụng toàn nền kinh tế ở mức hơn 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,08% so với đầu năm.
Trong đó, tín dụng lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh nhất, tăng 7,37% đạt gần 860 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tín dụng lĩnh vực thương mại cũng tăng khá cao, tăng 6,9% lên hơn 1,97 triệu tỷ đồng.
Như vậy, chệch tiền gửi - tín dụng tại 30/9 là 744.000 tỷ đồng, mức rộng nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Trước thực tế kể trên, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định, nếu tín dụng tăng tốc và đạt 10% cho cả năm 2020 như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, tương đương 320.000 tỷ đồng dư nợ tăng thêm trong quý IV thì vẫn còn cách khá xa so với số dư tiền gửi thường cũng tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Bởi vậy, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn sẽ dồi dào và lãi suất tiền gửi dự kiến tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới.
Mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 17/11/2020, dư nợ toàn nền kinh tế đã đạt hơn 8,79 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019.