Dấu hiệu cho thấy chi phí lãi vay bắt đầu "đồng thuận" với xu hướng giảm lãi suất tiền gửi
Công ty chứng khoán VNDirect vừa phát hành báo cáo chiến lược thị trường – Kết quả kinh doanh Quý III/2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Theo đó, VNDirect ước tính lợi nhuận ròng quý III của các doanh nghiệp niêm yết trên cả HoSE, HNX, UPCoM giảm 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE giảm mạnh hơn (5,9%), trong khi lãi ròng của rổ VN30 tăng 1,6%.
Lợi nhuận ròng của nhóm các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa nhỏ tăng mạnh nhất, ở mức 28,6%, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu cùng với các nhà máy thủy điện nhỏ.
Riêng đối với nhóm VN30, lợi nhuận phân hóa mạnh. Trong đó, ngành Bất động sản ghi nhận kết quả tích cực nhất đơn cử như NVL (+609%); VIC (+210%) và VHM (+11%).
Lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng trái chiều khi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng dương như EIB (+58,2%), HDB (+21,4%), TCB (+21,3%), BID (+16,2%). Trong khi đó một số ghi nhận lợi nhuận sụt giảm như VCB (-20,9%), CTG (-6,9%), STB (-7,2%) và VPB (-1,4%).
Một số doanh nghiệp còn lại, lợi nhuận ròng của HPG tăng mạnh 115% so với cùng kỳ nhờ vào sản lượng tăng lên từ dự án Dung Quất và lợi nhuận tích cực của mảng nông nghiệp. SSI hưởng lợi từ đà tăng của TTCK với mức tăng lợi nhuận ròng 27,7%. REE và POW đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm (-13,9%/-85,0%) do kết quả kém khả quan của các công ty nhiệt điện (công ty con) trong kỳ.
VNDirect nhận định, trong quý gần nhất, các doanh nghiệp đã xác nhận lại xu hướng hồi phục lợi nhuận theo mô hình chữ V dù cho làn sóng dịch Covid-19 thứ hai diễn ra từ cuối tháng 7.
Biên lãi gộp của các doanh nghiệp niêm yết (loại trừ nhóm ngân hàng) cải thiện rõ rệt nhờ hiệu suất hoạt động cao hơn của các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp không mở rộng công suất hay hệ thống bán lẻ và biên lãi gộp tốt hơn của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ngược lại, đòn bẩy tài chính có xu hướng giảm. Theo đó, cả hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) và chi phí lãi vay đều giảm trong quý III/2020 xuống 0,65x và 6,0% sau khi tăng nhẹ trong quý II. VNDirect cho rằng, sự sụt giảm trong chi phí lãi vay đã bắt đầu đồng thuận với xu hướng giảm lãi suất tiền gửi trong thời gian qua.
Trong kịch bản cơ sở, VNDirect dự báo lợi nhuận toàn thị trường giảm 5-6% cho cả năm 2020 trước khi tăng mạnh trở lại 21% trong năm 2021. Triển vọng tích cực của lợi nhuận các doanh nghiệp là chỉ báo cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong năm 2021.
Với chỉ số Vn-Index, kết thúc tháng 10 ở mốc 925,7 điểm, tương ứng với P/E lũy kế 14,5 lần, tăng 42% so với mức thấp nhất 650 điểm trong tháng 3. VNDirect cho rằng, Vn-Index có thể đi ngang và tích lũy trong biên độ 900-960 điểm từ nay đến cuối năm.