Doanh nghiệp Trung Quốc có thể phải "trả giá" vì chiến lược Zero-Covid của Bắc Kinh
Công ty xếp hạng S&P Global Ratings cảnh báo rằng làn sóng dịch Covid-19 mới nhất và cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát tình hình đại dịch có thể gây căng thẳng hơn nữa cho tình hình tài chính doanh nghiệp..
“Sự bùng phát các ổ dịch Covid-19 mới ở Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm rủi ro tài chính đang gia tăng với các doanh nghiệp Trung Quốc” - các nhà phân tích tại S&P Global Ratings nhận định. “Tỷ lệ nợ tăng cao, dòng tiền suy yếu, thanh khoản thắt chặt và các điều kiện trên thị trường tài chính biến động đang tạo ra những thách thức lớn”.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 7 và tháng 8, lên mức hơn 110 ca nhiễm mới mỗi ngày trong bình quân 7 ngày đầu tháng 8, theo Our World in Data. Đó là mức tăng chưa từng có kể từ đợt bùng phát dịch hồi đầu năm nay tại quốc gia này. Dù so với các nền kinh tế lớn khác, số ca nhiễm này còn ở mức thấp, nhưng việc Trung Quốc tiếp tục cách tiếp cận “zero Covid” đã đưa các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.
Hồi tháng 8, nước này đã đóng cửa 2 tuần một nhà ga quan trọng tại cảng container bận rộn thứ ba thế giới Ninh Ba - Chu Sơn sau khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19. Trước đó, vào tháng 6, một đợt bùng phát dịch nhỏ cũng gây ra đợt gián đoạn nghiêm trọng tại hàng loạt cảng ở Thâm Quyến và Quảng Châu, những trung tâm công nghiệp quan trọng tại miền Nam Trung Quốc.
Song song với đó, chính phủ Trung Quốc cũng áp đặt hàng loạt hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, bao gồm biện pháp kiểm soát xuất nhập cảnh ở Bắc Kinh và nhiều địa phương khác trên cả nước.
S&P Global Ratings cho biết mặc dù các biện pháp này có hiệu quả trong việc giảm thiểu ngay lập tức số ca nhiễm Covid-19, nhưng nó cũng dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại nhiều khu vực kinh tế quan trọng. Điều này tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp Trung Quốc - vốn chưa thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. Thêm vào đó, gánh nặng nợ tăng cao trong dịch cũng tiếp tục trở thành vấn đề căng thẳng cho doanh nghiệp.
Thực tế, rủi ro nợ tại một số đại công ty của Trung Quốc đã tăng vọt trong năm nay. Chẳng hạn, nhà phát triển bất động sản China Evergrande đã liên tục bị các cơ quan xếp hạng hạ cấp trong những tháng gần đây do các vấn đề thanh khoản và rủi ro vỡ nợ. Tuần trước, chính Evergrande đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp. Tờ Reuters tháng trước đưa tin China Evergrande và các đơn vị liên quan đang thảo luận để bán bớt cổ phần trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng được cho là đang rao bán các dự án đô thị mới ở thủ phủ công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến và Vùng Vịnh Lớn, trích một nguồn tin được dẫn bởi tờ SCMP.
Ban lãnh đạo China Evergrande sau đó đã xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đang đàm phán với “các nhà đầu tư bên thứ ba độc lập” về việc bán lại cổ phiếu hai công ty con này. “Động thái (bán tài sản) nếu được thực hiện sẽ phần nào giúp giảm bớt mối lo ngại về rủi ro mất khả năng thanh toán cho China Evergrande, đặc biệt nếu họ có thể tìm được một nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp quốc doanh lớn để tiếp quản số cổ phiếu trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện” - nhận định của ông Raymond Cheng, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại CGS-CIMB Securities.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 116 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD), một con số kỷ lục cao chưa từng có. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng báo động với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính internet Shanghai DZH, dự báo tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc năm 2021 có thể vượt qua mức kỷ lục hơn 187 tỷ Nhân dân tệ được ghi nhận vào năm ngoái.
Trước tình hình này, hồi tháng 7/2020, Bắc Kinh đã thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ Nhân dân tệ chuyên xử lý rủi ro vỡ nợ trái phiếu tiềm ẩn. Quỹ này được hậu thuẫn bởi 31 công ty quốc doanh và China Reform Holdings thuộc sở hữu nhà nước.