Nợ như chúa chổm, nhà phát triển BĐS hàng đầu Trung Quốc bị đâm đơn kiện
Hôm 29/7, Huaibei Mining Holdings - một công ty quốc doanh với đa số cổ phần được nắm giữ bởi Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của tỉnh An Huy đã đệ đơn kiện một công ty con trực thuộc nhà phát triển bất động sản hàng đầu đất nước Evergrande do không hoàn tất nghĩa vụ thanh toán khoản nợ lên tới 401 triệu Nhân dân tệ (62 triệu USD).
Huaibei Mining cho biết đã ký hợp đồng xây dựng với công ty con Liuan Hengda Zhiye trực thuộc Evergrande vào tháng 11/2018. Từ đó cho đến nay, phía Liuan Hengda Zhiye đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán bất chấp sự hối thúc của Huaibei Mining; lý do được đưa ra là “không có tiền”; theo tuyên bố mà Huaibei Mining gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
Hóa đơn 401 triệu Nhân dân tệ từ Evergrande là khoản phải thu lớn nhất chưa được hạch toán vào năm ngoái của Huaibei Mining. Khoản tiền này tương đương khoảng 12% lợi nhuận ròng hợp nhất của Huaibei Mining trong cả năm 2020.
Vụ việc là một minh chứng tiếp theo cho thấy tình hình thanh khoản yếu kém của Evergrande - một trong những nhà phát triển bất động sản đang cõng gánh nặng nợ lớn nhất thế giới.
Phía Evergrande hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ kiện.
Nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD tính đến cuối năm 2020. Thực tế, Evergrande đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi cuộc khủng hoảng đại dịch bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc khiến các công trình xây dựng trì trệ và chậm tiến độ. Tâm lý hoài nghi về số phận Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng trong tháng này đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.
Mặc dù đến nay Evergrande chưa lần nào vỡ nợ trái phiếu, một số công ty con trực thuộc tập đoàn đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán trong năm nay. Evergrande cũng phải đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu nước ngoài trị giá 6 tỷ USD sắp đến hạn trong năm 2022, phần lớn trong đó sẽ đáo hạn ngay nửa đầu năm.
Tính đến cuối năm 2020, Evergrande nắm giữ khoảng 158,8 tỷ Nhân dân tệ tiền và các khoản tương đương tiền; hoàn toàn không đủ đáp ứng 335,5 tỷ Nhân dân tệ sắp phải thanh toán trong 12 tháng tới, theo báo cáo thường niên gần nhất của tập đoàn này.
Mặc dù Evergrande có thể tính đến phương án huy động vốn thông qua niêm yết, bán cổ phần trong các công ty con hoặc bán bớt tài sản, nhưng tình hình thanh khoản kém đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của nó. Đầu tuần này, S&P Global Ratings là đơn vị mới nhất hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande liền hai bậc. Fitch Ratings cũng đưa ra nhận định tương tự, rằng “tính thanh khoản của Evergrande rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào khả năng xoay vòng vốn trong ngắn hạn cũng như các khoản vay ủy thác, doanh số hợp đồng… để tạo ra dòng tiền”.
Evergrande được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý trong nước, nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín dụng do lo ngại nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ sẽ gây ra hệ quả lan tỏa đến toàn hệ thống tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Bất chấp nỗ lực giảm nợ của tập đoàn, các khoản nợ phải trả mà Evergrande đối diện vẫn tăng trong năm ngoái. Vào đầu tuần này, cổ phiếu Evergrande có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 4 năm. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Evergrande đã bốc hơi 41%. Trái phiếu tập đoàn phát hành cũng đang giao dịch ở mức giá thấp kỷ lục.