Gánh nặng nợ phình to, trái phiếu chính quyền địa phương Trung Quốc cũng có nguy cơ vỡ nợ

21/07/2021 11:16 GMT+7
Khi gánh nặng nợ của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng, những nguy cơ lớn với đà phục hồi đã xuất hiện.

Tờ CNBC ước tính mức nợ quốc gia của Trung Quốc hiện đã tăng lên gần ngưỡng 400% GDP, trong khi số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đang đà đạt mức kỷ lục mới trong năm nay.

Tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 62,59 tỷ nhân dân tệ (9,68 tỷ USD), cao chưa từng có kể từ năm 2014 đến nay, theo dữ liệu từ Fitch Ratings.  Trong đó, các vụ vỡ nợ của các công ty nhà nước chiếm hơn một nửa - khoảng 35,65 tỷ nhân dân tệ. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng báo động với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đi ngược lại niềm tin được thị trường mặc định lâu nay rằng chính phủ sẽ cứu các DNNN khi chúng xuất hiện các vấn đề rắc rối tài chính. Trong lịch sử nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh ít khi để các DNNN vỡ nợ. Nguyên nhân là bởi giới chức nước này tin rằng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp quốc doanh và chính phủ là vô cùng quan trọng để duy trì sự ổn định của hoạt động kinh tế. Nhưng các động thái gần đây của Bắc Kinh đang cho thấy sự thay đổi quan điểm, rằng chính phủ hướng tới cải thiện chất lượng thị trường trái phiếu dù rằng điều này phải trả giá bằng việc “thanh lọc” các công ty có năng lực tài chính suy yếu. 

Gánh nặng nợ phình to, trái phiếu chính quyền địa phương Trung Quốc cũng có nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 1.

Khi gánh nặng nợ của Trung Quốc phình to, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương ngày càng đáng quan ngại (Ảnh: Pixabay)

Khi các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tăng, tờ CNBC nhận định thị trường cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương Trung Quốc.

Vỡ nợ trái phiếu chính quyền địa phương còn đáng lo hơn vỡ nợ trái phiếu DNNN

Một nguy cơ đáng lo sợ hơn cả doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu, đó là rủi ro vỡ nợ trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành (còn gọi là LGFV). Các LGFV được chính quyền địa phương thành lập để lách lệnh cấm của Bắc Kinh về việc vay mượn trực tiếp từ ngân hàng. 

Theo hình thức này, các công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của chính quyền địa phương sẽ được thành lập để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Loại hình trái phiếu do các công ty này phát hành đã tăng mạnh trong những năm qua trong bối cảnh xây dựng cơ sở hạ tầng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế Trung Quốc.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: “Nhiều LGFV thậm chí còn tệ hơn cả các “công ty zombie”, nghĩa là họ còn không thể trả nổi lợi suất trái phiếu chứ đừng nói đến tiền gốc”. “Công ty zombie” là một thuật ngữ ám chỉ các công ty mắc nợ nhiều và chủ yếu dựa vào các khoản vay, trợ cấp từ chính phủ để tồn tại. 

Cho đến nay, chưa có LGFV Trung Quốc nào từng vỡ nợ trái phiếu. Nhưng từ vài năm nay, nhiều tổ chức xếp hạng như Fitch Rating hay S&P Global Ratings đã cảnh báo đợt vỡ nợ đầu tiên có thể sẽ xảy đến do tốc độ tăng tín dụng quá nhanh trong những tháng qua, khi các chính quyền địa phương cần dư địa tín dụng để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

“Năm 2021 dự kiến là thời điểm Bắc Kinh phá vỡ sự bảo lãnh ngầm (với các doanh nghiệp quốc doanh), vì đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách không cần lo lắng về mục tiêu tăng trưởng GDP” - ông Hu nói thêm. 

Đầu năm nay, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất khiêm tốn hơn 6%, trong khi các tổ chức kinh tế uy tín quốc tế dự báo mức tăng trưởng tiềm năng mà Trung Quốc đạt được trong năm nay lên đến hơn 8%. Nghĩa là Bắc Kinh hiện có nhiều dư địa để cho phép các rủi ro tín dụng, và các vụ vỡ nợ trái phiếu LGFV xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Các nhà kinh tế Nomura cũng nhận định trái phiếu LGFV là trọng tâm trong động thái thắt chặt thị trường tín dụng của Trung Quốc, do giá trị phát hành loại trái phiếu này đã tăng lên mức kỷ lục 1,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (292,87 tỷ USD) vào năm ngoái từ con số 0,6 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2018.


NTTD
Cùng chuyên mục