Nợ chồng nợ chất, nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc phải tìm cách bán tài sản

12/08/2021 16:51 GMT+7
Cổ phiếu China Evergrande và các công ty con trực thuộc đã phục hồi mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây sau thông tin nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc đang chuẩn bị bán tài sản để tăng thanh khoản.

Theo nguồn tin của tờ Reuters, tập đoàn China Evergrande và các đơn vị liên quan đang thảo luận để bán bớt cổ phần trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng được cho là đang rao bán các dự án đô thị mới ở thủ phủ công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến và Vùng Vịnh Lớn, trích một nguồn tin được dẫn bởi tờ SCMP.

Ban lãnh đạo China Evergrande sau đó đã xác nhận trong một tuyên bố rằng họ đang đàm phán với “các nhà đầu tư bên thứ ba độc lập” về việc bán lại cổ phiếu hai công ty con này.

Ngay sau tuyên bố, cổ phiếu China Evergrande niêm yết tại Hong Kong đã tăng vọt 7,3% lên 5,87 HKD/cp vào phiên giao dịch 10/8, mức cao nhất trong tuần gần nhất. Cổ phiếu công ty con China Evergrande New Energy Vehicle tăng 8% - mức tăng lớn nhất trong tháng - lên 13,2 HKD/cp trong khi cổ phiếu Evergrande Property Services Group tăng 20,5% lên 6,7 HKD/cp - ngày giao dịch tốt nhất kể từ đầu năm đến nay.

Đà phục hồi giúp đưa vốn hóa thị trường China Evergrande và các công ty con tăng tổng cộng 27,2 tỷ HKD (3,5 tỷ USD) chỉ trong một ngày. Tuy vậy, đây chỉ là mức phục hồi không đáng kể so với con số hơn 308 tỷ HKD bị xóa khỏi vốn hóa thị trường của China Evergrande và 2 công ty con kể trên từ đầu năm đến hôm 9/8, khi nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc chìm trong gánh nặng nợ nần và nguy cơ vỡ nợ.

Nợ chồng nợ chất, nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc phải tìm cách bán tài sản - Ảnh 1.

Hui Ka-yan, tỷ phú sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn China Evergrande (Ảnh: Handout)

“Động thái (bán tài sản) nếu được thực hiện sẽ phần nào giúp giảm bớt mối lo ngại về rủi ro mất khả năng thanh toán cho China Evergrande, đặc biệt nếu họ có thể tìm được một nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp quốc doanh lớn để tiếp quản số cổ phiếu trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện” - nhận định của ông Raymond Cheng, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại CGS-CIMB Securities.

China Evergrande New Energy Vehicle, công ty con chuyên mảng ô tô điện của China Evergrande dự kiến sẽ báo lỗ 4,8 tỷ nhân dân tệ (740 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm 2021, tức gần gấp đôi mức lỗ 2,45 tỷ nhân dân tệ vào thời điểm cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 9/8. Nguyên nhân lỗ nặng được do là gánh nặng trả lãi vay và khoản đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ xe điện.

Trong khi đó, Evergrande Property Services dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận tăng vọt 70% trong nửa đầu năm, theo hồ sơ được sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong công bố vào tháng trước.

Theo ông Raymond Cheng, China Evergrande cũng đang xem xét việc bán các dự án phát triển đô thị mới trong Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area). Điều này có thể tiếp thêm sự lạc quan cho nhà đầu tư khi ngụ ý rằng China Evergrande đang cắt giảm hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản để tập trung vào các mảng có tiềm năng và gánh nặng nợ nhẹ nhàng hơn. 

Cuối tháng trước, cổ phiếu China Evergrande đã tụt mạnh sau khi có tin một công ty xây dựng quốc doanh đệ đơn kiện tập đoàn này không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản tiền hơn 400 triệu Nhân dân tệ. Cụ thể, hôm 29/7, Huaibei Mining Holdings - một công ty quốc doanh với đa số cổ phần được nắm giữ bởi Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của tỉnh An Huy đã đệ đơn kiện công ty con Liuan Hengda Zhiye trực thuộc China Evergrande do không hoàn tất nghĩa vụ thanh toán khoản nợ lên tới 401 triệu Nhân dân tệ (62 triệu USD).

Vụ việc là một minh chứng tiếp theo cho thấy tình hình thanh khoản yếu kém tập đoàn này. Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD. Thực tế, nhà phát triển bất động sản đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020. Tâm lý hoài nghi về số phận China Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng trong tháng trước đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.

Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande nắm giữ khoảng 158,8 tỷ nhân dân tệ tiền và các khoản tương đương tiền; hoàn toàn không đủ đáp ứng 335,5 tỷ nhân dân tệ sắp phải thanh toán trong 12 tháng tới, theo báo cáo thường niên gần nhất của tập đoàn này. China Evergrande hiện đang bị theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý trong nước, nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín dụng do lo ngại nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ sẽ gây ra hệ quả lan tỏa đến toàn hệ thống tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục