Lo gánh nặng nợ, Trung Quốc đình chỉ 2 dự án đường sắt cao tốc

05/05/2021 12:50 GMT+7
Bắc Kinh gần đây đã chỉ đạo ngừng triển khai hai dự án đường sắt cao tốc ở tỉnh Sơn Đông và Thiểm Tây với tổng vốn đầu tư 130 tỷ NDT (20 tỷ USD), qua đó báo hiệu mối quan ngại của chính quyền Trung ương Trung Quốc về gánh nặng nợ công phình to.

Theo Caixin, vào tháng trước, Bắc Kinh đã đình chỉ dự án đường sắt cao tốc dài 270km nối Tế Nam - thủ phủ tỉnh Sơn Đông với thành phố Tảo Trang ở phía nam. Tháng này, Bắc Kinh tiếp tục chỉ đạo ngừng dự án đường sắt Guanzhong Chengji, bao gồm 13 tuyến đường sắt ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.

Một nguồn tin thân cận cho hay tuyến đường sắt Tế Nam - Tảo Trang bị đình chỉ do một phần dự án gần tương tự tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải đã hoạt động trong nhiều năm. Tổng vốn đầu tư vào dự án này theo kế hoạch lên tới 58,5 tỷ NDT.

Về tuyến đường sắt Guanzhong Chengji, chính quyền tỉnh Thiểm Tây cho biết đang tiến hành đánh giá tổng hợp tình hình và tạm đình chỉ dự án để giảm nhẹ mức độ rủi ro. Thông cáo cho biết việc đình chỉ sẽ áp dụng cho toàn dự án, kể cả những phần đang được thi công dang dở. Các cơ quan giao thông quốc gia và các ban ngành đường sắt liên tỉnh sẽ đánh giá dự án từ góc độ chuyên sâu trước khi quyết định bước tiếp theo.

Lo gánh nặng nợ, Trung Quốc đình chỉ 2 dự án đường sắt cao tốc - Ảnh 1.

Lo gánh nặng nợ, Trung Quốc đình chỉ 2 dự án đường sắt cao tốc

Từ lâu, Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đường và đường sắt cao tốc để tạo đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Xây dựng cũng trở thành công cụ chính sách quan trọng để kích thích nền kinh tế phục hồi trong những giai đoạn suy thoái, chẳng hạn hậu đại dịch.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định việc kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng không chừng mực có thể dẫn đến gánh nặng nợ tăng vọt và các dự án được xây dựng hàng loạt mà không có tính ứng dụng cao.

Vào tháng 3, Hội đồng Nhà nước đã công bố một nghiên cứu về sự phát triển của hệ thống đường sắt quốc gia nhằm cảnh báo các chính quyền địa phương khỏi cấp phép hàng loạt những dự án không thực sự hiệu quả. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao một cách cân bằng, về nguyên tắc cấm xây dựng các dự án mới có tỷ lệ sử dụng dự kiến dưới 80%. Tài liệu cũng đưa ra các điều kiện xây dựng các tuyến đường sắt đắt đỏ với tốc độ di chuyển tàu cao tốc lên đến 350km /h.

Việc xây dựng đường sắt cao tốc nhanh chóng của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã giúp tạo ra hệ thống đường sắt lớn bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 km đường ray vào cuối năm ngoái. Con số này chiếm tới 25% hệ thống đường sắt toàn quốc gia. 

Nhưng khi dịch vụ đường sắt cao tốc đã được phổ biến rộng rãi ở hầu khắp các thành phố lớn, nhiều chính quyền địa phương đang chuyển sang xây dựng các tuyến đường ở những khu vực ít đông đúc hơn. Những dự án này đã khiến chính quyền các tỉnh phải gánh những khoản nợ khổng lồ do vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi kéo dài.

Đầu năm nay, các nhà quan sát chỉ ra rằng mức GDP mục tiêu năm 2021 tương đối khiêm tốn (hơn 6%) mà Bắc Kinh đặt ra chính là một cách cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm dư địa để giải quyết nhiều vấn đề như gánh nặng nợ tăng vọt mà vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng. 

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên 285% GDP vào cuối quý III/2020, từ mức bình quân 251% trong giai đoạn 2016-2019, theo một báo cáo mới công bố cuối tháng 3 bởi Allianz.


NTTD
Cùng chuyên mục