Doanh nghiệp vận tải để xe vượt quá tải trọng có thể bị tịch thu xe
Có thể tịch thu xe quá tải
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã kiểm tra 51.770 xe, trong đó có 9.154 xe vi phạm, tước 1.434 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 49,81 tỷ đồng.
Đánh giá tình trạng xe quá tải, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng cao từ 1 - 2m, hoán cải container thành thùng xe tự đổ để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên các Quốc lộ.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên là do các chế tài để xử lý vi phạm còn chưa đồng bộ, lực lượng trực tiếp tham gia công tác kiểm soát tải trọng phương tiện còn mỏng.
Bên cạnh đó, thiết bị cân kiểm tra tải trọng phương tiện còn thiếu, chưa kiểm soát được toàn bộ các tuyến đường có xe chở hàng quá tải lưu thông.
"Nhiều xe quá tải, cơi nới thành thùng cố tình che biển số, chạy tốc độ cao vào ban đêm vượt qua trạm kiểm soát tải trọng xe gây khó khăn cho công tác ghi lại hình ảnh", ông Huyện nêu rõ.
Trên cơ sở này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải các địa phương triển khai một tháng cao điểm công tác kiểm soát tải trọng xe từ ngày 15/6 đến 15/7/2022 và tổ chức tập huấn về sử dụng thiết bị ghi hình các xe cơi nới thành thùng làm căn cứ xử phạt theo quy định.
Tổng cục Đường bộ đề nghị Cục Đăng kiểm rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi - rơmoóc, các xe cơi nới kích thước thành thùng chở hàng quá tải, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo sức răn đe.
Đánh giá về tình trạng xe quá tải bùng "nổ", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị cần điều chỉnh lại Nghị định 100 theo hướng quy định xe quá tải đến mức độ nào thì phải tịch thu.
"Các doanh nghiệp vận tải, nếu xe quá tải 10-20% sẽ xử phạt, quá tải nhiều hơn thì tịch thu mới đủ sức răn đe," Bộ trưởng Thể nói.
Xử lý nghiêm hành vi chở hàng hóa quá tải trọng
Trước đó, nhằm siết chặt quản lý tải trọng xe thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giao thông vận tải rà soát hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; có phương án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng (nếu có); bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm; sử dụng cân xách tay để triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe...
Các đơn vị công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, thanh tra giao thông vận tải... để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp...; yêu cầu các đơn vị này phải lắp đặt cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe…
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các sở giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định theo mô hình kiểm soát tải trọng xe tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thực hiện tổng kết việc thực hiện trạm cân tự động đặt trên tuyến Quốc lộ 5 trong tháng 7/2022, làm cơ sở hoàn thiện, thống nhất mô hình, tổ chức Trạm kiểm tra tải trọng xe trong phạm vi cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Phạm Bình Minh yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm hành vi chở hàng hóa quá tải trọng.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng các địa phương sử dụng cân xách tay kiểm soát tải trọng xe ôtô tải chở hàng hoá tại vị trí lối ra vào các đầu mối tập kết vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản chưa lắp đặt cân kiểm tra khối lượng, xử lý nghiêm lái xe, chủ xe và người xếp hàng lên xe có hành vi vi phạm.