Đối thoại 2045: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang kiến nghị gì với Thủ tướng?

07/03/2021 09:00 GMT+7
Tại "Đối thoại 2045", các tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang đã có nhiều chia sẻ và kiến nghị đến người đứng đầu Chính phủ.

Chiều 6/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành. Các doanh nghiệp tham dự có quy mô tổng doanh thu hơn 26 tỷ USD.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch quốc tế

Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet AirPhó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank bày tỏ, cuộc tọa đàm mang đến sự khích lệ to lớn về tinh thần trong doanh nhân và nhân sĩ, trí thức của cả nước.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nói:  "Từ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố tầm nhìn Việt Nam 2045 hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập nước, đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Khát vọng tăng trưởng liên tục và dài hạn này rất thách thức nhưng chúng ta có những nguồn lực, có cơ sở, có động lực để biến khát vọng thành hiện thực".

Đối thoại 2045: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Bá Dương kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 1.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bày tỏ ý kiến tại Đối thoại 2045

Bà Thảo kiến nghị, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. 

Bà Thảo cho biết, Học viện Hàng không Vietjet đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, TPHCM, "chúng tôi đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ", bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói.

Tổng giám đốc Vietjet Air mong Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Theo bà Thảo, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương khi đó chúng ta có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Đối thoại 2045: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan

Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Vấn đề thứ hai là nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.

Ông Quang kiến nghị cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Ông cũng cho rằng rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...

Chủ tịch Masan nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.




A.Vũ
Cùng chuyên mục