Đối thoại cấp cao Mỹ - Trung tại Hawaii "khó xoa dịu căng thẳng"

14/06/2020 14:00 GMT+7
Các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị đối thoại cấp cao tại Hawaii trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đối thoại cấp cao Mỹ - Trung tại Hawaii "khó xoa dịu căng thẳng" - Ảnh 1.

Lần gần nhất phái đoàn ngoại giao hai nước Mỹ - Trung gặp gỡ là khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020

Theo nguồn tin của SCMP, dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Trung Quốc là ông Jang Jiechi, Ủy viên Hội đồng nhà nước, đồng thời là lãnh đạo nòng cốt trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, về phía Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo được giao trọng trách dẫn dắt phái đoàn.

Chi tiết chính xác về thời gian diễn ra cuộc đối thoại vẫn chưa được quyết định, nhưng nguồn tin từ Politico hôm 13/6 cho biết ông Pompeo đang lên kế hoạch cho chuyến đi Hawaii để gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Trung Quốc.

Nếu cuộc đối thoại diễn ra như kế hoạch, đây sẽ là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hai nước sau khi quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng vì cuộc tranh luận xoay quanh nguồn gốc đại dịch Covid-19 cũng như dự luật an ninh Hồng Kông.

Cuộc gặp gỡ trực tiếp gần đây nhất diễn ra vào 15/1 tại Washington, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn đàm phán ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, chính quyền Trump từng tuyên bố sẽ trả đũa Bắc Kinh vì khiến đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu, giết chết hơn 425.000 người khắp thế giới. Trung Quốc sau đó cáo buộc ngược lại Washington cố gắng chỉ trích nước này để che mờ những thất bại trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Mỹ. 

Những căng thẳng trê khắp các mặt trận thương mại - tài chính - công nghệ cũng nóng lên. Tổng thống Donald Trump từng khẳng định thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh đã không còn là ưu tiên của Nhà Trắng sau những thiệt hại khổng lồ của Mỹ trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Điều này đã khiến các nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết hồi tháng 1 đổ bể, dẫn đến căng thẳng leo thang và các đòn trừng phạt thuế quan tiếp theo từ Mỹ.

Hàng loạt mâu thuẫn phát sinh sau đó đã khiến các nhà quan sát lên tiếng kêu gọi sự bình tĩnh từ cả hai chính phủ do lo ngại quan hệ Mỹ Trung đổ vỡ kéo theo thỏa thuận thương mại sụp đổ.

Trong một cuộc họp báo thường niên hồi tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington, bởi các nỗ lực “tách rời” như vậy sẽ chỉ gây hại cho cả hai bên.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng nhận định đã đến lúc các quan chức cấp cao hai nước gặp nhau để thảo luận các vấn đề và xoa dịu căng thẳng. “Cho dù họ chỉ trích nhau ra sao, đối thoại song phương là cần thiết để các bên làm rõ vị trí của mình”. 

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin Trung Quốc cho rằng trong khi các nhà quan sát cho rằng cuộc đối thoại cấp cao giữa các quan chức hàng đầu hai nước sẽ là bước phát triển tính cực trong quan hệ Mỹ - Trung nói chung và căng thẳng thương mại nói riêng, ông nghi ngờ rằng một vòng đàm phán như vậy có thể không đủ để xoay chuyển tình thế tồi tệ hiện tại. “Cuộc đối thoại diễn ra chỉ có ý nghĩa là các mối liên hệ cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ không đổ vỡ bởi cuộc chiến ngôn luận vừa qua. Nhưng nó không có nghĩa là cuộc đối thoại sẽ xoa dịu những căng thẳng đang hình thành trên hầu khắp các mặt trận trong quan hệ Mỹ - Trung”.

 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục